Chi tiết bài viết

Thương binh nặng làm kinh tế giỏi

10:17, Thứ Hai, 20-8-2012

Về xã Quảng Hoà, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, chúng tôi được bà con nơi đây kể về tấm gương không cam chịu đói nghèo của thương binh nặng Nguyễn Xuân Thiệu.

Thương binh 1/4 Nguyễn Xuân Thiệu

Là chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam, sau 4 năm chiến đấu trên chiến trường Cam-pu-chia, Nguyễn Xuân Thiệu mang trên mình hàng chục vết thương và để lại 1 chân trên đất bạn. Năm 1982, vừa tròn 25 tuổi anh xuất ngũ về quê hương với thương tật 81%. Quảng Hoà là đất thuần nông, trên 90% dân số sống bằng nông nghiệp, ba bề bao bọc bởi sông nước làm cho giao thông cách trở, làm ruộng thì diện tích đất có hạn, chăn nuôi lại thiếu vốn.

Đang trăn trở tìm nghề, vừa lúc huyện mở lớp sơ cấp thú y, Nguyễn Xuân Thiệu liền đăng ký tham gia. Càng học càng thấy vốn kiến thức của mình còn ít ỏi, anh kiên trì học bổ túc văn hoá rồi học tiếp trung cấp chăn nuôi thú y. Vay mượn người thân, bạn bè 6 triệu đồng, cùng với số vốn 5 triệu đồng, năm 1993, anh ra trại giống Viện Chăn nuôi (Bộ NN và PTNT) mua 2 con heo giống (heo đực) với giá 8 triệu đồng về nuôi và khai thác tinh để lại tạo đàn heo trên địa bàn. Công việc ban đầu không mấy thuận lợi, do chưa quen với kỹ thuật mới. Không nản chí, anh kiên trì vận động, hướng dẫn các hộ cách chăn nuôi mới, sau 2 năm, dịch vụ thụ tinh nhân tạo heo đã gây được “tiếng lành”. Người chăn nuôi các huyện lân cận Bố Trạch, Tuyên Hoá, Minh Hoá (Quảng Bình) và Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cũng tìm đến mua tinh về phối giống cho đàn heo. Tất cả đều được anh tiếp đón ân cần và tận tình hướng dẫn cách phát hiện heo nái động dục để chọn thời điểm phối tinh thích hợp. Cuối năm 1995, anh đã hoàn trả được vốn vay, thu lãi và mạnh dạn lập dự án vay ngân hàng 30 triệu đồng mở rộng sản xuất. Anh còn bồi dưỡng, chuyển giao kỹ thuật, gây dựng mạng lưới cộng tác viên rộng khắp.

Năm 2004, nghe thông tin từ Đài tiếng nói Việt Nam, Nguyễn Xuân Thiệu khăn gói học kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản, mua giống cỏ voi năng suất cao về trồng và cung ứng cho bà con trong vùng. Năm 2005 anh khai trương điểm tiêu thụ tinh nhân tạo bò đầu tiên. Đến nay hầu hết các thôn, xã vùng nam Quảng Trạch đều có bê lai. Trong hội thi bê lai huyện Quảng Trạch lần thứ nhất, anh được tặng danh hiệu “Dẫn tinh viên xuất sắc nhất”.

Năm 2008, anh đầu tư các giống heo siêu nạc thế hệ mới, sử dụng công thức lai đa dạng heo 3 máu, heo 4 máu cho con lai siêu nạc chất lượng cao. Cùng với phát triển dịch vụ thụ tinh nhân tạo gia súc, anh kết hợp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phương pháp phòng trừ dịch bệnh. Nguyễn Xuân Thiệu còn ra Hà Nội tham quan tìm hiểu kỹ thuật xây hầm Bi-ô-ga nhằm tự túc chất đốt, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xây thí điểm cho gia đình mình để bà con làm theo.

Sau 20 năm làm kinh tế, Thương binh 1/4 Nguyễn Xuân Thiệu đã có cơ ngơi khang trang. Điều quan trọng hơn cả là anh đã đưa dịch vụ thụ tinh nhân tạo heo, bò đến với người dân huyện Quảng Trạch và vùng lân cận, giúp bà con chăn nuôi đàn heo, bò lai tăng trọng nhanh, tỉ lệ nạc cao, sinh sản tốt; tạo việc làm cho 36 cộng tác viên, đa số là bộ đội xuất ngũ với thu nhập ổn định từ 1,2 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/tháng. Anh xứng đáng là một điển hình tiêu biểu làm theo lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”.

Theo Báo Quân đội nhân dân online

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập