Chi tiết bài viết

Người "gieo" chữ mang quân hàm xanh

9:2, Thứ Bảy, 4-5-2013

Thầy hiệu trưởng Trường tiểu học Long Sơn (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh) cứ nhắc đi nhắc lại sự đóng góp của những “thầy giáo quân hàm xanh” ở Đồn Biên phòng Làng Mô, đặc biệt là “thầy Chung” khiến chúng tôi không khỏi thán phục và quyết một lần lên lại Trường Sơn để gặp thầy - Đại úy Trần Hữu Chung.

Miệt mài “gieo” chữ

Xã Trường Sơn những năm đầu thập niên 90, lúc bấy giờ còn muôn vàn cái khó: giao thông cách trở, đi lại khó khăn; kinh tế nghèo nàn lạc hậu và đặc biệt là trình độ dân trí còn một khoảng hổng vô cùng lớn. Bắt tay thực hiện nhiệm vụ xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học cho đồng bào dân tộc Vân Kiều trong bối cảnh như vậy, ban đầu anh Chung cùng đồng đội có phần hoang mang không biết nên bắt đầu từ đâu.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban chỉ huy Đồn Biên phòng 597 (sau đổi tên Làng Mô), những người lính làm công tác vận động quần chúng như anh Chung bắt đầu phát huy năng lực sở trường của mình. Phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng các trưởng bản, già làng, người có uy tín trong bản, họ đi đến từng nhà vận động từng cháu ghi tên tham gia nhập học.

Các anh đã bằng câu chuyện về những tấm gương người dân tộc Vân Kiều được học chữ nên đỗ đạt, trưởng thành, trở về làm cán bộ, phát triển kinh tế gia đình... để thuyết phục đồng bào dân tộc về tầm quan trọng của việc học chữ như thế nào. Suy nghĩ “cái chữ không làm no cái bụng”, “từ bao đời nay ông bà tổ tiên không học chữ mà vẫn sống đến bây giờ”... dần được đẩy lùi. Khi bà con đã đồng ý cho con đi học, các anh lại phải lo việc dựng lớp, đóng bàn ghế, sắm sách vở, giấy bút... để có cơ sở dạy học bảo đảm cho các em học sinh.

Anh Chung kể: từ những năm 1994, 1995, anh bắt đầu trực tiếp tham gia giảng dạy ở các bản Đá Chát, Bến Đường. Trong vòng 18 tháng liền, anh phụ trách 2 lớp học với độ tuổi 6 - 14 và trên 14 tuổi, có tới 60 học sinh. Sang năm 1995, 1996, anh tiếp tục sang bản Sắt, Cây Sú, Cổ Tràng vận động mở lớp... Cứ như thế, năm này qua năm khác, hết bản Hôi Rấy, Nước Đắng lại sang bản Trung Sơn, PLoang, Zìn Zìn... người “thầy giáo quân hàm xanh” miệt mài “gieo” con chữ. Mỗi bản có nét đặc thù riêng, song có lẽ, với anh Chung, nơi khó khăn nhất, để lại cho anh nhiều dấu ấn nhất đó chính là bản Dốc Mây. Dốc Mây là điểm “đột kích” cuối cùng trong nhiệm vụ xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học cho đồng bào dân tộc ở xã Trường Sơn của Đồn Biên phòng Làng Mô.

Đại úy Trần Hữu Chung vận động bà con bỏ các tập tục lạc hậu.

Từ trung tâm xã, để đến bản nhanh nhất cũng phải mất gần nửa ngày đường, phải băng rừng, qua những vách núi đá tai mèo dựng đứng. Song khó vượt qua nhất chính là nhận thức của người dân nơi đây. Bản Dốc Mây lúc bấy giờ với 17 hộ, 81 khẩu sống du canh, du cư bằng nghề săn bắt, hái lượm. Đói thì lên rừng hái quả, xúc cá về ăn. Mọi giao tiếp của họ đều bằng tiếng mẹ đẻ chứ chưa hề biết tiếng Kinh. Bởi vậy, để vận động bà con đi học là điều chẳng hề đơn giản chút nào. Song với sự kiên trì, bằng tình yêu thương, đồng cảm, dần dà, anh Chung và các chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô đã tạo được niềm tin với dân bản. Họ cũng mong cho con đi học được cái chữ Bác Hồ, để hiểu biết nhiều như các chú bộ đội.

Không chỉ là nhiệm vụ

Thuyết phục các em đến trường đã là thành công rồi, nhưng không ai dám bảo đảm giữ được các em tới lớp hàng ngày. Ngoài bài giảng, sự mới mẻ của kiến thức thu nhận được, “thầy Chung” còn mang lại tình cảm ấm áp của người bố, người mẹ dành cho các em học sinh dân tộc Vân Kiều. Anh kể: Cắt tóc, tắm giặt, khâu quần áo cho các học sinh của mình là công việc hàng ngày những “giáo viên quân hàm xanh” vẫn làm. Anh bảo, các cháu cũng như con mình, lại chịu nhiều thiếu thốn nên anh thấy mình cần chở che, chăm sóc. Có lẽ cũng bởi vậy mà các học sinh đã gắn bó với lớp học cho đến khi kết thúc.

Anh có kỷ niệm khó quên về một lần anh phải rời xa lớp trong 2 tháng đi tập huấn, những học sinh của “thầy Chung” tập trung ở nhà trưởng bản để chia tay, tiễn anh ra tận đồn. Sau những phút hát hò vui vẻ, tất cả bật khóc gọi “Thầy ơi!” khiến cho anh cũng lưu luyến khôn nguôi... Thế nên, mới nhắc đến tên “thầy Chung”, già bản Hồ Ai (bản Khe Cát) vội đáp lời ngay: “Thầy Chung ở bản miềng ai cũng biết, thầy biết tiếng dân tộc miềng, thầy dạy chữ Bác Hồ cho con em bản miềng đó!”.

Như con ong cần mẫn, tính từ năm 1994 đến năm 2010, anh cùng đồng đội ở Đồn Biên phòng Làng Mô mở được 14 lớp dạy học cho hơn 300 học viên ở các bản làng xa xôi của xã Trường Sơn. Trong đó, anh Chung trực tiếp tham gia giảng dạy 12 lớp. Quá trình sống ở bản, anh còn tích cực vận động bà con bỏ các tập tục lạc hậu, dạy bà con cách nuôi trồng các loại cây con, bày cho bà con khi ốm đau nên tìm gặp bác sĩ chứ không nên cúng bái...

Với những đóng góp ấy, anh Trần Hữu Chung đã được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của đơn vị, các cấp ngành, như: nhiều năm liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, Chiến sĩ quyết thắng và giành Bằng khen của Sở Giáo dục và Đào tạo, Bằng khen của Chương trình Ủy ban Quốc gia về phòng chống mù chữ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... Anh là 1 trong 3 đại diện của tỉnh Quảng Bình tham dự Liên hoan Thanh niên tiên tiến toàn quốc (năm 1996); là 1 trong 63 “Giáo viên quân hàm xanh” tiêu biểu nhất của cả nước (năm 1999).

Tháng 4-2011, anh được Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác phổ cập giáo dục tỉnh Quảng Bình, giai đoạn 2001- 2010. Nhắc tới những đóng góp và bảng thành tích dày đặc, anh Chung cười hiền lành: Thành tích ấy đâu phải của riêng bản thân tôi mà còn là của đồng đội. Nhiệm vụ đơn vị giao thì chúng tôi phải cố gắng hoàn thành. Hơn nữa, những khó khăn, thiếu thốn cũng như tình cảm của đồng bào chính là động lực để chúng tôi có thể vượt qua mọi khó khăn, trở ngại.

Nốt trầm cuộc đời

Với sự đóng góp và những thành tích trong công việc như vậy, ít ai biết hoàn cảnh khá đặc biệt của gia đình anh. Thượng tá Trần Văn Quyền, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Làng Mô cho chúng tôi hay: Đại úy Trần Hữu Chung là người công tác nhiệt tình, có uy tín đối với đồng bào dân tộc Vân Kiều, được bà con rất tin tưởng. Hiện hoàn cảnh gia đình anh rất khó khăn: Vợ mất vì ung thư máu, cậu con trai đầu của anh cũng đang bệnh nặng, phải đưa đi khám, chữa trị thường xuyên. Đơn vị đã tạo điều kiện, hỗ trợ anh ít nhiều để cho anh yên tâm công tác.

Giọng trầm buồn, anh Chung kể: Năm 2004, con trai bị nhiễm trùng máu, vợ anh luôn là người mang con đi khám, bởi lúc ấy, anh còn bận công tác ở bản xa. Sang đến năm 2005, sinh cháu gái thứ 2 mới được tháng rưỡi, vợ anh phát hiện bị ung thư máu. Buộc phải thôi bú cho con, chị đi điều trị hết trong tỉnh lại vào Huế, ra Hà Nội... nhưng không thể cứu nổi. Năm 2008, vợ anh mất khi mới 31 tuổi, để lại cho anh 2 đứa con thơ dại. Để tiện công tác, lại có thể chăm sóc con, anh đành phải gửi con gái nhờ bà ngoại nuôi nấng và đón con trai lên đơn vị ở cùng anh. Anh tâm sự: mỗi lần nghĩ đến cảnh vợ khóc vì căng sữa mà con phải đi bú xin, bú chực hay thi thoảng lén đọc những dòng nhật ký của cậu con trai viết về mẹ, anh đã không cầm nổi nước mắt thương vợ, thương con... Cảm thương trước hoàn cảnh gà trống nuôi con, cô y sỹ ở trạm y tế xã Trường Xuân đã quyết định gắn bó, san sẻ gánh nặng với anh.

Đã có lần, Báo Sài Gòn giải phóng ngỏ ý hỗ trợ xây nhà cho cha con nhưng anh Chung không dám nhận. “Hiện gia đình vẫn đang ở 2 nơi, trước mắt, con trai đang học lớp 8 nên tôi mong muốn tiếp tục ở đây công tác cho đến khi cháu tốt nghiệp THCS. Sau này, ra sao cũng chưa biết được. Có thể, tôi phải cho con về quê sống để tiện cho việc học hành hơn. Mình xây nhà mà không ở thì phụ công tấm lòng người cho, nhận sao đành”- Anh chia sẻ.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ xóa mù chữ, đại úy Trần Hữu Chung chuyển sang làm trinh sát viên, lại tiếp tục phần việc gìn giữ mảnh đất biên cương. Anh bảo: chỉ mong suốt đời được gắn bó, được cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.

Theo Báo Quảng Bình

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập