Chi tiết bài viết

Những thầy giáo ở bản Dốc Mây

8:2, Thứ Tư, 17-4-2013

(Website Quảng Bình) - Vượt qua mọi khó khăn và bằng cả tấm lòng say mê yêu nghề dạy trẻ, những người thầy ở Trường Tiểu học Long Sơn, xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đã cùng nhau băng suối vượt rừng mang con chữ lên bản Dốc Mây trên đỉnh Trường Sơn, nơi biên giới Việt - Lào để dạy cho các em học sinh người dân tộc Bru - Vân Kiều.

 Đường đến trường của các thầy giáo với sắc nhọn đá tai mèo

Đường cheo leo, vượt đá tai mèo

Thầy Nguyễn Quang Thú, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Sơn cho biết, Trường Tiểu học Long Sơn có 05 điểm trường lẻ ở những bản Đá Chát, Chân Trôộng, Liên Thượng, Trung Sơn nhưng bản Dốc Mây là điểm trường xa và khó khăn nhất. Để vào dạy chữ cho các em học sinh ở bản Dốc Mây, từ trung tâm xã Trường Sơn, phải mất quá nửa ngày để vượt hơn 30km đường băng rừng, vượt suối, lội đá tai mèo mới đến được bản. Bản Dốc Mây hiện có 16 hộ với 81 nhân khẩu, đời sống của đồng bào chủ yếu dựa vào nương rẫy. Bản nằm ở trên núi cao, hằng ngày để lấy nước sinh hoạt bà con xuống núi khoảng 300m mới gùi được nước lên để dùng.

Để vào bản Dốc Mây, ngay từ tờ mờ sớm, khi những ngôi nhà sàn đang ẩn mình trong sương khói, chiếc xe máy “dã chiến” của những thầy giáo bắt đầu một chặng hành trình đầy khó khăn để lên với các em học sinh thân thương. Quãng đường 10km đầu với những đường cua “khủyu tay áo”, nghiêng bên vách núi với nhiều “khổ ải”. Sau khi gửi nhờ chiếc xe máy vào nhà người dân, tiếp đến là chặng hành trình băng rừng, leo núi, vượt khe khoảng 06 giờ đồng hồ mới đến tận bản. Thầy giáo Nguyễn Đình Thi, Phó Hiệu trưởng nhà trường, người gắn bó từ nhiều năm nay với điểm trường Dốc Mây cho biết: Đường vào bản Dốc Mây rất hiểm trở, nhiều dốc cao, đá tai mèo lởm chởm; nhiều đoạn phải bám vào vách núi cheo leo, có khi phải lội suối cả ngày. Mùa nắng đường vào bản đã vất vả, mùa mưa thì càng nguy hiểm hơn. Vì vậy, trong ba lô các thầy lên bản lúc nào cũng sẵn sàng áo mưa và tấm nilon khổ rộng cùng với chiếc võng để phòng trường hợp mưa rừng, nước khe dâng cao không thể qua được suối. Những lúc đó, các thầy đành phải căng nilon, mắc võng giữa rừng để chờ nước cạn rồi mới lên bản. “Để đến được lớp học ở bản Dốc Mây, các thầy giáo phải vượt một chặng đường dài gian nan, mà nhiều khi chúng tôi cứ đùa với nhau là còn khổ hơn vượt Trường Sơn đi đánh giặc”, thầy Thi tâm sự.

 Lớp học ở bản Dốc Mây

Nặng lòng với nghề giáo!

Hiện tại, điểm trường ở bản Dốc Mây có 22 học sinh với hai lớp học 1 và 3. Do điều kiện khí hậu và đời sống nơi đây còn nhiều khó khăn nên các giáo viên ở Trường Tiểu học Long Sơn phải luân phiên nhau vào dạy học. Thầy Nguyễn Quang Thú cho biết: Thông thường mỗi lần vào bản đều có hai giáo viên, mà phải là các thầy giáo chứ cô giáo thì không đủ sức để vượt đèo, leo núi được. Trong khi đó, hành lý của các thầy mang lên bản không chỉ sách vở, bút thước mà còn có các đồ dùng cá nhân và cả thuốc chữa bệnh cho dân bản, ước tính mỗi ba lô nặng trên 30kg. Cứ mỗi đợt lên Dốc Mây như vậy, hai thầy sẽ đứng lớp trong hai tuần và thay nhau hai người khác lên.

Để san sẻ khó khăn, động viên tinh thần các thầy giáo vào dạy ở bản Dốc Mây, từ năm 2008 đến nay, cứ hàng tháng, cán bộ, giáo viên của Trường Tiểu học Long Sơn, mỗi người đã trích lương 50 ngàn đồng để giúp đồng nghiệp yên tâm công tác. Thầy giáo Nguyễn Song Nhất, giáo viên chủ nhiệm ở bản Dốc Mây năm học 2011 - 2012 chia sẻ: Cứ mỗi lần vào dạy ở bản, anh em mỗi người được hỗ trợ 300 ngàn đồng, với số tiền này, chúng tôi mua thêm loong gạo, viên thuốc… để vào tặng dân bản và học trò của mình. Hai tuần dạy học, chúng tôi sống gần như tách biệt với gia đình và nhà trường vì ở bản Dốc Mây hiện chưa có điện và sóng điện thoại… Thầy Nhất kể thêm: Có lần chúng tôi mới vào dạy được một tuần thì nghe tin mẹ của đồng nghiệp mất, vì không thể liên lạc qua điện thoại nên nhà trường phải cắt người băng rừng vào thay thế.

Thầy Thú chia sẻ, sau hai tuần lên dạy ở bản Dốc Mây, khi trở lại điểm trường chính, nhìn các thầy xanh xao, tiều tụy như người vừa bị sốt rét trở về mà chúng tôi không cầm nổi lòng. Mặc dù khó khăn là thế, nhưng thấy các em học sinh ngoan ngoãn, ham học, nhiều em vượt quãng đường xa đến lớp và những tình cảm chân thành với dân bản, xem các thầy như người nhà, ân cần chăm sóc nên các thầy đều ấm lòng và tiếp tục cống hiến sức lực của mình. Bên cạnh đó, còn có sự giúp đỡ của những cán bộ, chiến sỹ Đồn 597 - Làng Mô nên các thầy yên tâm công tác.

Những năm trước đây, khi cơ sở vật chất ở điểm trường Dốc Mây còn nhiều khó khăn, lớp học tạm bợ, bàn ghế thiếu thốn để có một phòng học chắc chắn luôn là mong mỏi của các thầy và học trò của bản. Hiểu được tâm tư của thầy và trò, vừa qua, UBND huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh đã quan tâm đầu tư hơn 600 triệu đồng để xây dựng một phòng học khang trang, tạo điều kiện để thầy và trò ở bản Dốc Mây nơi biên giới Việt - Lào yên tâm học tập, công tác.

Bằng tất cả tình yêu nghề, những người thầy giáo ở Trường Tiểu học Long Sơn, xã Trường Sơn đang ngày ngày vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn để mang cái chữ lên vùng biên giới, xa xôi trên đỉnh Trường Sơn bốn mùa mây phủ, nơi đó có những người học trò đang miệt mài với con chữ.

Xuân Thi

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập