Chi tiết bài viết

Lão nông trên vùng đất Rôốc

14:9, Thứ Sáu, 15-11-2013

Cứ mờ sáng tinh sương, người dân thôn Minh Xuân, xã Xuân Hóa (Minh Hóa) lại thấy ông Đinh Văn Phương mái tóc bạc phơ, quần xắn cao, luôn tay chăm sóc vườn cây, ao cá... mặc dầu năm nay ông đã trên 71 tuổi.

Hơn 7 năm chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên (1963- 1970), sau khi bị thương nặng, ông Phương phải xuất ngũ với mức độ sức khỏe: thương binh hạng 4/4. Mảnh đất Xuân Hóa, nơi ông trở về, xuất phát điểm rất nghèo, đất sản xuất ít, chủ yếu là đất rừng và thung lũng. Nhưng với khả năng trực quan, ông nhận thấy quê mình có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế.

Ông Đinh Văn Phương đang chăm sóc rừng hụynh


Bằng nhiệt huyết của mình, suốt 11 năm làm Trưởng công an-Phó chủ tịch UBND xã và 12 năm làm Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã ông luôn đau đáu trong lòng phải làm cho nhân dân ai cũng phải biết vươn lên trên chính mảnh đất của mình. Và bản thân ông cũng luôn tìm tòi, học hỏi để nâng cao kiến thức, tăng năng suất lao động, trước hết là nhanh nhạy nắm bắt khoa học, công nghệ để áp dụng vào sản xuất, một mặt phải làm tròn nhiệm vụ quản lý, mặt khác tham gia hướng dẫn bà con học cách làm ăn mới. Năm 1990, ông nghỉ hưu, mặc dầu vẫn làm Chủ nhiệm HTX sản xuất nông nghiệp Ba Nương, nhưng ông vẫn có nhiều thời gian hơn để trực tiếp phát triển kinh tế gia đình.

Năm 1995, qua khảo sát, ông nhận thấy vùng Rôốc là vùng đất hoang hóa lâu năm có khả năng cải tạo thành vùng lúa nước nếu bà con cùng chung sức, chung lòng đưa nguồn nước về để tưới tiêu. Ông bàn với 6 hộ gia đình, trong đó có gia đình anh Hưng (dân trong vùng thường gọi là anh Hưng cụt tay làm kinh tế giỏi) chung nhau xây dựng một con đập lớn và một con mương dài trên 2km băng đồi, vượt suối về tưới cho gần 20ha đất bỏ hoang trở thành ruộng lúa quanh năm. Và cũng từ dòng mương ấy tạo nguồn cho các hộ gia đình vùng Rôốc cải tạo mảnh vườn của mình thành các mô hình VAC nâng cao hiệu quả kinh tế.

Bây giờ đã ở tuổi 71, nhưng ông vẫn miệt mài lao động sản xuất. Trên mảnh đất của mình, ông quy hoạch thành từng vùng phù hợp. Vùng trồng lúa nước, vùng trồng lạc, vùng trồng tiêu và vải thiều, vùng đào ao thả cá, vùng chăn nuôi gà, vùng nuôi ong lấy mật và vùng trồng rừng... Riêng rừng tràm của ông hiện nay có 2 vạn cây, rừng huỵnh 200 cây, rừng huê trầm gió và nhiều loại cây khác...Thu hoạch từ lúa nước 1 năm được 3 tấn, đủ để tự túc lương thực. Lạc, 1 năm được 2 tấn, cùng với các nguồn thu từ các loại cây trồng, vật nuôi khác là để làm vốn mở rộng quy mô phát triển sản xuất.

Nhằm tăng thêm nguồn thu nhập, ông bàn với vợ con mở dịch vụ phân bón để phục vụ tại chỗ, giảm chi phí đi lại cho bà con trong sản xuất. Nhiều gia đình không có vốn đầu tư thâm canh, ông sẵn sàng cho nợ đến vụ thu hoạch mới thanh toán. Vì vậy, nhiều hộ nông dân mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ, thâm canh tăng năng suất... đem lại hiệu kinh tế cao.

Thu nhập của gia đình ông theo thời gian tăng dần, nếu như năm 2008 thu nhập trên 46 triệu đồng, năm 2009 lên 83 triệu đồng, năm 2010 tăng lên 197 triệu đồng, năm 2011 lên 200 triệu đồng và năm 2012 mức thu nhập tăng trên 200 triệu đồng. Trong năm 2013 mặc dầu thời tiết bất lợi, bão lụt tàn phá, nhưng mức thu nhập cũng không thấp thua những năm trước... Một gia đình ở xã đặc biệt khó khăn mà có mức thu nhập như vậy là rất đáng ghi nhận.

Ông Đinh Xuân Hoàng, Chủ tịch Ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện Minh Hóa cho biết: Đây là một trong những mô hình kinh tế nổi bật của địa phương, riêng ông Phương là lão nông tiêu biểu của Hội Người cao tuổi huyện, ông đã được tặng nhiều giấy khen, của xã, của huyện và bằng khen của tỉnh.

Theo Báo Quảng Bình

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập