Chi tiết bài viết

Một thầy thuốc hết lòng vì người bệnh

15:53, Thứ Sáu, 2-1-2009

Theo hẹn, chúng tôi đến Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới để gặp bác sĩ Hoàng Xuân Thiệu, người đã thực hiện hàng ngàn ca phẫu thuật thành công an toàn, chưa một lần xảy ra sự cố.

Tiếp chúng tôi, cô Nguyễn Thị Mỹ Hà - điều dưỡng trưởng khoa ngoại cho biết: ''Bác sĩ Thiệu đang chuẩn bị cho một ca phẫu thuật cấp cứu. Bác gửi lời xin lỗi vì không tiếp chuyện được như đã hẹn". Chúng tôi không ngạc nhiên, bởi bác sĩ khoa ngoại làm việc không có giờ, nhiều khi để cứu bệnh nhân phải đành lỡ hẹn.

Chờ xong ca phẫu thuật, chúng tôi tranh thủ tiếp xúc với một số bệnh nhân đang điều trị tại khoa ngoại. Bệnh nhân Trần Hữu Thương, 60 tuổi ở Tân Thủy (Lệ Thủy) người được bác sĩ Thiệu phẫu thuật lấy sỏi thận cho biết: "Tôi bị bệnh đã nhiều năm, được các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vũ Anh - TP. Hồ Chí Minh chẩn đoán: Thận trái sỏi san hô, chức năng giảm, ứ nước độ III. Theo các bác sĩ cho biết khó bảo tồn được thận. Hoàn cảnh gia đình tôi không thể thực hiện phẫu thuật ở TP. Hồ Chí Minh. Đến Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, được bác sĩ Thiệu khám và quyết định phải can thiệp bằng phẫu thuật. Nhiều người khuyên tôi nên vào Bệnh viện Trung ương Huế mổ mới an toàn. Nhưng tôi quyết định ở lại điều trị tại đây. Sau phẫu thuật tôi thấy sức khỏe tôi đã ổn định, vết mổ khô, chỉ cần vài ngày nữa là tôi có thể ra viện được''. Ông Thương đưa cho chúng tôi xem gói sỏi lấy ra từ thận trái. Thật bất ngờ, có đến 33 viên sỏi lớn nhỏ, viên lớn nhất có kích thước 30mm x 40mm x 15mm, số còn lại viên nhỏ nhất có kích thước 6mm x 5mm x 3mm. Việc bảo tồn thận trái cho bệnh nhân Thương là điều hết sức khó khăn do bệnh lý và tình trạng sức khỏe của ông Thương trước lúc phẫu thuật rất kém. Thực hiện được điều đó đòi hỏi phẫu thuật viên cần có trình độ chuyên môn giỏi, nhiều kinh nghiệm và có tâm. Bác sĩ Thiệu đã bảo tồn được quả thận sau hơn 2 giờ phẫu thuật. Ông Trần Hữu Thương nói với chúng tôi: "Bác sĩ Thiệu là người đã cho tôi quả thận".

Trong hồ sơ lưu tại bệnh viện, bệnh nhân Nguyễn Thị Vân, sinh năm 1985, ở Kỳ Phong, Kỳ Anh (Hà Tĩnh) được một số bệnh viện tuyến Trung ương chẩn đoán là người có 4 quả thận, niệu quản đổ lạc vào âm đạo, nước tiểu luôn chảy không tự chủ. Điều đó gây không ít khó khăn trong sinh hoạt. Gia đình đưa cháu vào bệnh viện, qua hội chẩn, bác sĩ Thiệu quyết định phải can thiệp bằng phẫu thuật mới giải quyết được tình trạng hiện tại của cháu. Sau phẫu thuật kết quả rất mỹ mãn, cháu tự chủ được tiểu tiện không còn hiện tượng nước tiểu tự chảy. Đây là một trường hợp đặc biệt, không chỉ đặc biệt về bệnh lý mà bệnh nhân có một hoàn cảnh hết sức khó khăn. Bố cháu phải đi ăn xin để nuôi con trong những ngày ở bệnh viện. Mỳ tôm là thức ăn chính của hai bố con. Thấu hiểu hoàn cảnh của người bệnh; bác sĩ Hoàng Xuân Thiệu đã đề xuất với Ban Giám đốc bệnh viện miễn viện phí cho cháu và vận động, quyên góp giúp cháu vượt qua khó khăn trong những ngày điều trị tại bệnh viện. Ông còn trích một phần lương của mình cho cháu tiền tàu xe về quê cùng với số tiền cho cháu bồi dưỡng. Trước lúc cháu Vân ra viện, bố cháu rơm rớm nước mắt "Tôi không biết lấy gì để đền đáp công ơn bệnh viện, tập thể bác sĩ, y tá khoa ngoại cùng với bác sĩ Thiệu đã giúp gia đình tôi vượt qua khó khăn. Con gái tôi vượt qua bệnh tật, chính bằng tấm lòng nhân ái và bàn tay tài hoa của bác sĩ Thiệu".

Cháu Trần Thị Thu Hà, 6 tháng tuổi, quê Quảng Xuân, Quảng Trạch, vào viện trong tình trạng suy dinh dưỡng độ II, thể trạng gầy đét. Bệnh nhi được chẩn đoán dị tật đường tiêu hóa. Sau phẫu thuật nối vị tràng, gỡ dính quai ruột hồng tràng, dây chằng, đến nay cháu Hà phát triển tốt, tăng cân.

Rất nhiều bệnh nhân vượt qua bạo bệnh trở về với cuộc sống đời thường bằng chính bàn tay như có phép lạ của bác sĩ Hoàng Xuân Thiệu. Bệnh nhân, đồng nghiệp ghi nhận sự đóng góp của bác sĩ Thiệu trong lĩnh vực phẫu thuật là người có đôi bàn vàng.

Sau 6 năm chiến đấu ở chiến trường miền Nam, rời quân ngũ với tấm thẻ thương binh hạng 3/4, Hoàng Xuân Thiệu khoác ba lô đến với Trường Đại học Y khoa Hà Nội năm 1975. Năm tháng khốc liệt của chiến tranh, anh đã từng chứng kiến nhiều đồng đội ra đi, hay để lại một phần cơ thể ở chiến trường do thiếu phương tiện cấp cứu, thiếu thầy thuốc, nhất là bác sĩ chuyên khoa ngoại, là lý do thôi thúc Hoàng Xuân Thiệu chọn chuyên khoa ngoại để theo học. Tốt nghiệp ra trường anh về nhận công tác tại Khoa ngoại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, với tâm niệm góp một phần sức lực của mình giúp người bệnh vượt qua bệnh tật, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bác sĩ Thiệu tâm sự ''Chứng kiến những nạn nhân của bom mìn, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, nhiều người bị mất đi một phần cơ thể, họ sẽ gặp khó khăn trong cuộc sống mưu sinh. Những trường hợp như vậy chúng tôi cố gắng bảo tồn những gì có thể bảo tồn được, hạn chế đến mức thấp nhất cắt bỏ các bộ phận của cơ thể. Tạo hóa sinh ra con người rất hoàn hảo nếu thiếu đi một bộ phận nào đó thì xem như tàn tật. Với tôi cứu người là tiêu chí hàng đầu, nhưng bảo tồn được các bộ phận cơ thể là điều cần hết sức cố gắng. Khi bệnh nhân ra viện, việc điều trị cho họ lành bệnh mà không phải mất đi một bộ phận cơ thể là niềm hạnh phúc của các thầy thuốc chúng tôi".

Ở tuổi gần lục tuần nhưng bác sĩ Thiệu vẫn rất phong độ và trẻ trung, ngoài công việc quản lý của một trưởng khoa, công tác chuyên môn, anh còn tham gia các phong trào thể dục, thể thao - văn hoá, văn nghệ, nghiên cứu khoa học, Hội Cựu chiến binh... Ở lĩnh vực nào anh cũng phát huy được bản chất "Bộ đội Cụ Hồ", một đảng viên mẫu mực. Bác sĩ Nguyễn Xuân Đoàn, Phó Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới cho chúng tôi biết "Bác sĩ Hoàng Xuân Thiệu thực sự là con người của công việc. Một bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu lòng nhân ái, người thầy của đội ngũ bác sĩ kế cận trong lĩnh vực phẫu thuật. Những cống hiến của bác sĩ Hoàng Xuân Thiệu là tấm gương cho lớp trẻ noi theo".

Theo Tâm Phúc

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập