Chi tiết bài viết

Quận công Hoàng Hối Khanh (1362 - 1407)

16:33, Thứ Năm, 14-8-2008

Hoàng Hối Khanh (1362 - 1407), nguyên quán xã Bái Trại, huyện Yên Định, nay là thôn Bái Trại, xã Định Tăng, tỉnh Thanh Hoá.

Ông đỗ khoa thi Thái học sinh (tương đương Tiến sĩ sau này) năm Giáp Tý, niên hiệu Xương Phù 8 (1384) đời Trần Phế Đế.

Năm 1385 ông được vua Trần Phế Đế giao trọng trách Tri huyện Nha Nghi (Lệ Thuỷ ngày nay) trấn giữ phía Nam nước Đại Việt. Ông đã chọn Mũi Viết vùng đất nằm giữa hai con sông Bình Giang và Ninh Giang đóng huyện sở.

Nơi đây địa thế sông núi hiền hoà, phía trước có thành Ninh Viễn (Nhà Ngo), hướng Tây nam ''ngọn Mã Yên kia, kỳ hình át tận chín tầng mây'' (ÔCCL) như một bức bình phong bền vững. Từ Mũi Viết nhìn về hướng Tây Bắc là vùng đất màu mỡ hoang vu, có khả năng khai phá lập nghiệp lâu dài.

Với cương vị là một vị tướng thống lĩnh cả một vùng phương Nam, nên ông có đặc ân được chọn khoảng 500 mẫu ruộng đất. Năm 1387, ông ra Hoan Châu và Ái Châu chiêu mộ dân 12 dòng họ vào khai canh lập ấp; được tổ chức thành điền trang, sở hữu khoảng 500 mẫu. Và từ đấy lấy tên làng Kẻ Tiểu.

Tương truyền rằng, từ cơ sở Kẻ Tiểu ban đầu, ông đã tâu lên Vua cho mở rộng toàn vùng, thành lập một số đơn vị hành chính khác.

Những đơn vị chuyên sản xuất lương thực, thực phẩm đơn thuần đặt tên ''kẻ'' như Kẻ Tiểu (Thượng Phong), Kẻ Đợi (Đại Phong), Kẻ Tuy (Tuy Lộc), Kẻ Thá (An Xá), Kẻ Théc (Thạch Bàn), Kẻ Trìa (Tân Lệ), Kẻ Sóc (Mỹ Lộc), Kẻ Chền (Quảng Cư), Kẻ Tréo (Cổ Liễu), Kẻ Sòi (Xuân Hồi).

Những đơn vị vừa làm nông nghiệp vừa làm thủ công nghiệp, sản xuất công cụ tư liệu sản xuất và hàng tiêu dùng gọi là ''nhà'' như Nhà Mòi (Mai Hạ) có nghề trồng bông dệt vải; Nhà Phan (Phan Xá), Nhà Vàng (Hoàng Giang) có thợ rèn đúc dao rựa, cày cuốc, gươm giáo; Nhà Ngo (Uốn Áo) có nghề sản xuất đồ gốm, gạch...; Nhà Cai (Mai Xá) có nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa.

Một số đơn vị càng khác gọi tên làng bằng tên họ kèm theo chữ ''Xá'' như Châu Xá, Lê Xá, Văn Xá, Dương Xá, Ngô Xá, Lại Xá, Thượng Xá, Thạch Xá...

Ông tổ chức các làng dưới hình thức ''động vi binh, tịnh vi dân'' để vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu. Như vậy Hoàng Hối Khanh được coi như vị Thành hoàng cả một vùng rộng lớn của huyện Lệ Thủy ngày nay.

Sau đấy, với tài năng của ông ở vùng đất mới, vua nhà Trần cử ông giữ chức An phủ sứ lộ Thăng Hoa (Quảng Nam - Quảng Ngãi bây giờ).

Nhà Trần ngày càng suy yếu, giặc Minh âm mưu xâm lược nước ta, ông được điều ra làm An phủ sứ lộ Tam Đái (1394); sau đấy được điều về kinh Tây Đô giữ chức Phát vận sứ ty (1394) để chuẩn bị chống giặc Minh.

Năm 1400, Hồ Quý Ly chiếm ngôi nhà Trần. Giặc Minh mượn cớ ''phò Trần diệt Hồ'' để xâm lược nước ta. Hoàng Hối Khanh ra làm quan cho nhà Hồ, được thăng chức Đồng tri Khu mật sứ (1401) để đối phó với bọn xâm lược Minh. Ông cho lập xưởng đúc rèn vũ khí, chế tạo súng thần cơ là loại ''Đại bác'' lúc bấy giờ.

Một lần Thái thượng hoàng Hồ Quý Ly gọi Hoàng Hối Khanh vào cung và hỏi: ''Làm sao có được 100 vạn quân để chống giặc Bắc (Minh)?'' Hoàng Hối Khanh đề xuất: Xin cho tuyển quân độ tuổi 15 đến 60.

Năm 1404, ông làm thái thú Đông Lộ, Hồ Hán Thương sái ông chỉ huy, đốc suất xây dựng hệ thống phòng thủ thành Đa Bang kéo dài từ sông Bạch Hạc qua núi Tản Viên, lòng sông Bạch Hạc được đóng cọc phòng thủ đường thuỷ.

Năm 1405 vâng lệnh Hồ Quý Ly, ông làm sứ giả đàm phán với quân Minh, kết quả không tốt, bị Quý Ly trách mắng. Tháng 9/1405, Hoàng Hối Khanh được cử giữ chức Hành khiển Tả thị lang kiêm lĩnh Thái thú lộ Thăng Hoa.

Năm 1407, giặc Minh xâm được nước ta; do cuộc chiến đấu không cân sức ông bị bắt đưa đi trên một chiếc thuyền. Đến cửa Đan Huy (tức Cửa Hội-Nghệ An) ông nhảy xuống sông tuẫn tiết để giữ tròn khí tiết tôi trung. Tướng Trương Phụ lấy đầu đem bêu ở chợ Đông Đô. Tương truyền khi đắp thành Đa Bang, ông làm bài thơ có câu:

Mao thiềm mệnh dã cung tiều thoán
Lão mộc thì hồ ách phủ cân.

Dịch nghĩa:

Nhà tranh đành phận nơi đun nấu
Cây cối thường khi bị búa rìu

Người ta nói số ông không gặp may!

Sau khi Lê Lợi kháng chiến đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi, đã truy phong Sắc thần cho ông: "Tước Phong Dực bảo trung hưng, Linh phù đoan túc tôn thần''.

Năm Thiệu Trị thứ 4 (1845) lại truy phong: "Đặc tấn phụ quốc, Thượng tướng quân, tặng kiệt tiết linh thông Hoàng Quận công, Tước Phong Dực bảo trung hưng, Linh phù đoan túc tôn thần".

Để tưởng nhớ công ơn vị tiền khai khẩn, dân làng Thượng Phong (tức làng Kẻ Tiểu-Tiểu Phúc Lộc khi xưa) đã lập đền thờ bên hữu ngạn sông Kiến Giang. Hàng năm cứ đến ngày mồng 6 tháng 6 âm lịch dân làng tổ chức tế lễ long trọng.

Hoàng Hối Khanh là một danh tướng thời Trần-Hồ, đã có nhiều cống hiến to lớn trong việc tổ chức chống quân xâm lược nhà Minh. Ông lấy cái chết để tỏ rõ khí tiết một sĩ phu yêu nước, trung nghĩa, bất khuất, nêu tấm gương sáng cho thế hệ mai sau.

Ngày 23 tháng 7 năm 1998 Bộ Văn hoá-thông tin ra Quyết định số 1422 QĐ/VHTT công nhận và cấp Bằng di tích lịch sử danh tướng Hoàng Hối Khanh.

Nguồn: Quảng Bình ẩn tích thời gian
Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tỉnh Quảng Bình - 2008

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập