Chi tiết bài viết

Gương làm kinh tế giỏi ở xã Thanh Trạch

17:24, Thứ Năm, 27-11-2014

(Portal Quảng Bình) - Tận dụng lợi thế có diện tích vùng gò đồi rộng lớn của địa phương và với quyết tâm làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, ông Mai Xuân Hải ở thôn Tiền Phong, xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch) đã mạnh dạn đầu tư mô hình chuồng trại nuôi lợn nái sinh sản, lợn thịt, trồng cây ăn quả để phát triển kinh tế, giúp xóa đói, giảm nghèo, từng bước tăng thu nhập cho gia đình và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương. 

Năm 2000, phát hiện dưới chân đèo Lý Hòa có một vùng đồi hoang hóa và có nhiều tiềm năng nên ông nghĩ ngay hướng phát triển trang trại tại vùng đất này. Bằng suy nghĩ quyết đoán, được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp chính quyền, vợ chồng tôi đã quyết định phát triển chăn nuôi kết hợp với trồng cây ăn quả nên ông đã vay vốn, mượn người thân cùng với vốn vợ chồng ông tích góp mua được 03 hecta đất rừng để triển kế hoạch làm trang trại. Thời gian đầu, trang trại của ông trồng các loại cây ăn quả như xoài, vải thiều, bưởi, quýt. Ngoài ra, ông còn nhập giống bò lai sind về nuôi.
Trong quá trình chăn nuôi, nhận thấy nuôi bò chậm thu hồi vốn nên gia đình ông quyết định bán đàn bò lai sind để đầu tư xây dựng mô hình nuôi heo siêu nạc khép kín khâu chăn thả và chủ động con giống cho trang trại của mình. Để đàn vật nuôi không bị mắc bệnh, ông tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, phòng, trừ dịch bệnh, đồng thời thực hiện tốt công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi, do vậy, đàn vật nuôi của gia đình ông luôn sinh trưởng phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Mô hình trang trải gia đình ông Mai Xuân Hải

Với những dãy chuồng trại thông thoáng, gọn gàng, vệ sinh sạch sẽ, trang trại của ông luôn có trên 50 heo nái đẻ, 400 heo thịt. Để tận dụng chất thải chăn nuôi, gia đình ông đào khoảng 2000 m2 ao thả cá, chủ yếu nuôi cá rô phi đơn tính, cá lóc và trê phi. Hàng năm, ao cá gia đình ông cho thu nhập gần 04 tấn cá, giá bán trung bình 30 - 50 nghìn đồng/kg, đem lại thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng. Bênh cạnh đó, diện tích mặt nước ao hồ nhiều, ông Hải tận dụng thả bèo để lấy thức ăn quay vòng nuôi lợn rừng. Hiện nay, đàn lợn rừng của ông có khoảng 40 con, dự tính cuối năm sẽ cho xuất bán. Ngoài ra, ông đã tận thu thả nuôi 1.000 con gà kiến, trung bình mỗi năm gia đình ông nuôi 03 - 04 lứa gà... Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, cách ly với môi trường dân cư nên đàn gà đã tránh được dịch bệnh, sau 05 tháng xuất chuồng, trừ chi phí còn lãi 15.000 đồng/con. Từ việc chăn nuôi lợn nái, lợn thịt và thả gà, gia đình ông còn tận dụng diện tích đất đồi, vườn để trồng thêm các cây ăn quả hàng năm đem lại thu nhập cao cho gia đình...

Tuy nhiên, cũng như nhiều hộ gia đình khác, có lúc gia đình ông gặp nhiều khó khăn do giá lợn thịt không ổn định, dịch bệnh có nhiều tác động đến tâm lý ngường tiêu dùng do đó gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăn nuôi. Không chỉ đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình, ông Hải còn giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi với các hộ trong xã để cùng nhau phát triển. Với nghị lực, dám nghĩ, dám làm, từ một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hiện gia đình ông đã vươn lên trở thành một trong những hộ sản xuất kinh doanh giỏi của xã, nhiều năm liền đạt Gia đình văn hóa.

Mô hình làm kinh tế của gia đình ông Hải không những mang lại thu nhập, phát triển kinh tế cho gia đình mà còn tạo việc làm ổn định cho 05 lao động trong xã, đồng thời góp phần cùng địa phương hoàn thành tiêu chí thu nhập trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Đặng Hà 

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập