Chi tiết bài viết

Hai vợ chồng thương binh vượt khó làm giàu

16:54, Thứ Năm, 7-7-2011

Đó là hai vợ chồng ông Phạm Phong Hoa (65 tuổi), bà Phạm Thị Đảo (64 tuổi) sống thôn Dinh, xã Nhân Trạch (Bố Trạch). Cả hai ông bà là thương binh hạng 4/4. Trở về sau chiến tranh với hai bàn tay trắng, nhưng bằng ý chí, nghị lực của những người thương binh và quyết tâm vượt khó làm giàu, đến nay, hai ông bà đã có trong tay một cơ sở sửa chữa tàu thuyền và 2 chiếc tàu đánh cá, trừ các khoản chi phí, doanh thu gần 600 triệu/đồng/năm và tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

Ông Phạm Phong Hoa và bà Phạm Thị Đảo đều sinh ra và lớn lên ở xã miền biển Nhân Trạch. Đến tuổi trưởng thành, theo tiếng gọi của tổ quốc, cả hai ông bà đã tình nguyện gia nhập trung đội trực chiến 12 ly 7 xã Nhân Trạch, có nhiệm vụ canh giữ vùng biển, vùng trời của xã và đánh trả máy bay Mỹ. Chính những ngày cùng sát cánh bên nhau chiến đấu, ông bà đã yêu nhau và trở thành chồng vợ. Đầu năm 1968, trong một trận đánh trả máy bay Mỹ tại trận địa bờ biển Nhân Trạch, ông Hoa bị thương. Cuối năm 1968, trong một trận chiến đấu khác, bà Đảo cũng bị thương...

Năm 1975, đất nước hòa bình, thống nhất, vợ chồng ông bà trở về sinh sống và gắn bó với nghề đi biển thôn Dinh, xã Nhân Trạch quê mình. Với uy tín và kinh nghiệm của một ngư dân có nhiều năm đi biển, trong 2 năm 1979, 1980, ông Phạm Phong Hoa đã được bà con trong xã bầu làm Chủ nhiệm Hợp tác xã Lý Nhân Nam chuyên đánh cá, chế biến thủy hải sản và trồng cây lâm nghiệp trên cát. Còn bà Phạm Thị Đảo được cử làm Phó Công an xã phụ trách hộ tịch, hộ khẩu, rồi tham gia Ban Chấp hành Hội Phụ nữ xã...

Năm 1986, sau Đại hội lần thứ VI của Đảng, cả nước thực hiện đường lối đổi mới toàn diện. Với tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của một ngư dân làng biển, vợ chồng ông bà quyết định tự mình đứng ra mua thuyền đánh cá riêng của gia đình để đi biển. Vốn có kinh nghiệm trong nghề và nằm trong lòng những ngư trường có trữ lượng thủy sản lớn, thuyền đánh cá của gia đình ông Hoa đã thu được hiệu quả kinh tế rõ rệt từ những chuyến ra khơi đầu tiên...

Tích cóp, dành dụm được một ít vốn liếng, đến năm 1990, gia đình ông bà đã đầu tư 70 triệu đồng mua 1 chiếc tàu có công suất lớn hơn để đi biển. Đến nay, gia đình ông đã sở hữu 2 chiếc tàu đánh cá, 1 chiếc có công suất 33CV, chiếc còn lại có công suất 24CV, giải quyết việc làm cho 12 lao động trong xã, với thu nhập từ 40-50 triệu đồng/người/năm... Trừ các khoản chi phí, hàng năm, mỗi tàu đánh cá mang lại thu nhập cho gia đình ông Hoa 200 triệu đồng tiền lãi...

Nhân Trạch là một xã vùng biển bãi ngang, có số lượng tàu thuyền đi biển khá nhiều. Trước đây, do thiếu các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, mỗi khi tàu thuyền bị hư hỏng, ngư dân phải đưa đi xa để sửa chữa, gây tốn kém công sức, tiền của. Nhận thấy nhu cầu bức thiết về sửa chữa tàu thuyền đánh cá của bà con ngư dân trong xã rất lớn, nên từ năm 1991, ông Hoa đã đứng ra thành lập cơ sở dịch vụ sửa chữa tàu thuyền, đóng tại cửa lạch của xã. Để đáp ứng tốt nhu cầu sửa chữa tàu thuyền của ngư dân, gia đình ông Hoa đã đầu tư 300 triệu đồng mua sắm các loại máy móc hiện đại như máy tiện, máy hàn, máy cưa. Nhờ đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân của xưởng có tay nghề cao và tạo được uy tín với khách hàng nên dịch vụ sửa chữa tàu thuyền của gia đình ông Phạm Phong Hoa đã được đa số ngư dân trong xã và các ngư dân lân cận gửi gắm niềm tin sau mỗi chuyến đi biển trở về. Dịch vụ của ông vừa giúp họ sửa chữa những hư hỏng thông thường, vừa tân trang lại tàu thuyền giúp ngư dân yên tâm hơn trong mỗi chuyến ra khơi. Hàng năm, trừ các khoản chi phí, cơ sở sửa chữa tàu thuyền đưa về cho gia đình ông khoảng trên 400 triệu đồng...

Không chỉ tạo việc làm thường xuyên cho 4-5 lao động trong gia đình, những năm qua, cơ sở dịch vụ sửa chữa tàu thuyền của ông Hoa đã đào tạo các nghề gò, hàn, gia công cơ khí và nâng cao tay nghề cho trên 30 lao động ở Nhân Trạch. Hầu hết các lao đông được đào tạo, bồi dưỡng ở đây đều khẳng định được tay nghề và có thu nhập cao khi đi làm việc tại các nước Hàn Quốc, Malaixia...

Không chỉ làm kinh tế giỏi, tạo việc làm cho nhiều lao động trong xã, hai vợ chồng thương binh Phạm Phong Hoa và Phạm Thị Đảo còn tham gia nhiệt tình các phong trào của địa phương. Ông là hội viên tích cực của Chi hội Cựu chiến binh, Chi hội Người cao tuổi thôn Dinh; còn bà là một hội viên gương mẫu của Chi hội Phụ nữ thôn và là một thành viên tích cực của Câu lạc bộ Văn nghệ truyền thống xã Nhân Trạch.

Báo QB số 131 - 2011

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập