Chi tiết bài viết

Trưởng thôn làng biển

14:9, Thứ Hai, 15-8-2011

Ông Võ Quý Thẳng (61 tuổi) ở Sa Động, Bảo Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình đã có 31 năm làm trưởng thôn ở một làng biển. Được dân bầu tất cả các nhiệm kỳ với số phiếu hơn 90%. Ông làm trưởng thôn không chỉ trên cát làng, mà còn thể hiện trách nhiệm trên biển làng một cách mạnh mẽ, quyết đoán. Làng Sa Động có ông như con thuyền có cột buồm vững chắc.

Ông Thẳng trong một việc làng, đánh chiêng lễ hội cầu mùa cho ngư dân đánh bắt trên biển

Thi đua với tiền tuyến

Về Sa Động, hỏi nhà ông Thẳng trưởng thôn, ai cũng chỉ nhiệt tình. Đứa trẻ đen nhẻm chạy trên cát, tận tình dẫn tôi đến tận nhà ông trên một đồi cát bên chân sóng. Vừa trở về từ chuyến đi biển dài ngày, ông đang xem lại mấy tay lưới để hết tuần trăng tiếp tục rẽ sóng ra khơi. Thân hình săn chắc, nhuốm màu mặn mòi, ông tiếp tôi giữa căn nhà tuềnh toàng. Giọng nói to như “nạt nộ”, nhưng đó là cách “ăn to nói lớn” trước sóng gió để thuyền viên nghe rõ, đã ăn sâu vào huyết quản của ông.

Rót nước lá vằng dậm mát họng mời khách, ông nói: “Đừng viết, đừng viết. Tui bình thường thôi mà”. Nói với ông, làm nghề trưởng thôn khó lắm, rất khó, ấy vậy mà ông lại làm được đến những 31 năm. Đó chẳng phải kỳ tích được người làng tín nhiệm sao? Làng ông thế là hơn làng khác rồi. Ông ngồi nghe, rồi rót nước mời khách. Thi thoảng kể những câu chuyện ông trải qua trong 31 năm làm “già làng”. Thi thoảng, có người làng đến nhờ ông chữ ký xác nhận xin vay vốn bám biển.

Ông kể chuyện khi trầm khi bổng, khi cao khi thấp như ngọn sóng biển trước làng ông. Câu chuyện ông kéo dài như sắp cát thành lời, như vun cát thành kỷ niệm không quên.

Ông là con thứ hai trong một gia đình có 5 anh chị em. Anh trai của ông đi lính hải quân hy sinh tại phà Quán Hàu (huyện Quảng Ninh). Nhà nghèo, ông ở nhà, học hết lớp 4 rồi tham gia vào hợp tác xã đánh bắt cá Bảo Ninh để có tiền nuôi các em cùng người cha già. Cả nước kháng chiến, cả làng lên đường nhập ngũ, nhưng ông được ưu tiên ở nhà, mấy lần viết tâm thư cũng không được.

Ông nghĩ, không được ra tiền tuyến, ở lại hậu phương, phải làm thật tốt công việc để thi đua với tiền tuyến. Vừa tròn 15 tuổi, ông trở thành đội trưởng đội đánh bắt cá. Ông như con rái cá dưới nước, cứ lặn xuống biển vài hơi là ra chỉ dấu bủa lưới, mẻ lưới nào đưa lên cũng hàng tấn cá. Năng lực có, ông được tín nhiệm, cho đi học thêm để về đảm đương việc khác.

Đất nước hòa bình, từ năm 1980, ông trở thành trưởng thôn làng Sa Động. Lúc đó là chỉ định. Nhưng sau đó do dân bầu, nhiệm kỳ nào dân làng ông cũng bầu ông vào vị trí trưởng thôn của làng với số phiếu hơn 90%.

Trọng tài trên bờ, trên biển

Ông nói: “Tiếng làng tui ở thành phố, nhưng thời kỳ trước, Bảo Ninh như vùng sâu vùng xa với phần còn lại của Đồng Hới, không cầu, không chợ. Muốn giao lưu với bên ngoài phải đi đò ngang, sóng to gió chướng, vất vả lắm. Thế là lạc hậu, dân trí thấp. Nhà mô cũng không có nhà vệ sinh hợp lý. Cứ nhè trên cát làng mà đi, mất vệ sinh lắm”. Ông nghĩ mãi, phải làm sao đả thông tư tưởng của người làng, để bỏ đi cái thói xấu ấy. Nhà ông nghèo, nhưng vẫn vay tiền triệu đi mua từng viên gạch bên kia sông Nhật Lệ về xây nhà vệ sinh tươm tất. Xây xong, ông mời người làng đến xem, ai nấy tấm tắc khen sạch, đẹp.

Dần dà, mỗi nhà làm theo ông vì thấy ích lợi của sạch sẽ. Cả làng làm nhà vệ sinh, rồi lan sang làng khác, lan rộng ra cả xã. Từ một cách nhỏ của mình, ông tạo được cuộc chuyển biến lớn mà đến năm 1995, xã Bảo Ninh không còn duy trì thói đi vệ sinh trên cát.

Rồi làng cũng chứng kiến ông phá án vào năm 1988 khi còn duy trì đội sản xuất cá. Trước mỗi lần ra khơi lại phải lên rừng đốn củi về làm chất đốt cho các thuyền. Củi đưa về chất ven sông, một đêm, có người làng ra gánh mất 2m3 củi. Mất nhiều củi như thế, buộc nhiều thuyền của làng phải ngừng đến nửa tháng mới ra khơi vì phải lên rừng tìm củi mới cho đủ hải trình đã vạch.

Sáng dậy, người trong đội báo mất củi, ông xuống bến, thấy dấu chân tròn gồng mình gánh củi vào xóm, theo dấu chân, những dăm củi rơi vãi trên cát dẫn vào một căn nhà khả kính của làng. Ông vào nhà, không thấy củi đâu. Nhưng một cái phản được phủ kín bạt khiến linh tính ông khả nghi. Ông chào hỏi chủ nhà, vào ngồi trò chuyện trên phản, chân đá gót dưới lòng phản, nghe cộp. Chủ
nhà tái sắc mặt, ông đưa tấm bạt lên và thấy số củi mất của đội đang nằm đây. Nhưng nói mấy, chủ nhà vẫn chối bay, chối biến. Chỉ có cách, đưa một lóng củi nhà này xuống bến, chẻ ra để phân biệt, củi chẻ ra hợp với chiều tấc củi của đội. Chủ nhân trộm củi mắc cỡ nhận tội. Và đội có lại được số củi cần thiết để ra khơi.

Nhà ông có 3 người con, ông cũng sắm thuyền đi biển, vùng đánh bắt của ông cách bờ khoảng 115 hải lý. Ông nói, trong làng phức tạp xã trên biển cũng phức tạp. Cuộc sống đôi khi cũng xảy ra mâu thuẫn, nhưng mâu thuẫn trên biển thường ngư dân giải quyết bằng mìn tự chế. Những lúc như thế, ông lại đến giảng giải, thuyền bạn không nghe ông lập biên bản. Tịch thu mìn. Vẫn để cho ngư dân của làng đánh bắt, nhưng khi về, ông họp dân, đọc biên bản lập trên biển cho người làng nghe để mục đích không có tiền lệ lặp lại. Biện pháp đó, người làng ủng hộ, thuyền cá làng ông và xã ông từ đó không dùng mìn đi biển.

Nhiều lần đánh bắt cá trên biển, tàu ngư dân Trung Quốc hết nước ngọt, thuốc và một số thức ăn, ông sẵn sàng bớt đi khẩu phần để tiếp tế giúp họ. Ông nói: “Trên biển, cũng ngư dân với nhau cả. Họ thiếu ta cho, bởi đó là lòng người đi biển. Thấy họ thiếu, mình không đành lòng”.

Hết chuyện trên biển, về lại làng, ngư dân quê ông thường bập vào rượu chè, đánh nhau chí tử trên cát. Lại chạy đi tìm ông phân giải. Những lúc như thế, ông gọi cả hai vào nhà pha nước mời uống, ai sai ông kêu công an viên đến xử phạt hành chính, viết biên bản và đọc để lần sau không tái phạm. Những lúc đọc, giọng ông dõng dạc, để người gây chuyện không tái diễn. Rồi chuyện vợ chồng ngư phủ đánh nhau cũng kêu ông ra xử. Ông lại mời về căn nhà nhỏ của gia đình khuyên giải. Ông nói như tưới nước vô cát, nói từng ngày để vun vào hạnh phúc ngư phủ làng ông. Đã nhiều đôi vợ chồng mang ơn ông về chuyện hạnh phúc gia đình.

Chia cá trên biển và chuyện bị kiện

Ông đánh bắt trên biển, với biệt tài phát hiện ra nhiều đàn cá bằng cách nhìn con nước. Với ông, 12 tháng trong năm, mỗi tháng có thời gian biểu đánh bắt nhiều loài khác nhau. Từ tháng giêng đến tháng tư, ông tính con nước bắt cá phèn, cá hố. Từ tháng sáu đến tháng mười hai, ông lên lịch đánh bắt cá thu, cá ngừ, cá bảu, cá tím, cá nục… Mỗi chuyến như thế, đi về thu lại gần trăm triệu đồng. Thuyền ông chỉ 15 tấn, gặp những đàn cá vài chục tấn, ông gửi tín hiệu cho các thuyền bạn đến cùng đánh bắt để ngư phủ làng có thu nhập. Đời ông, năm nào đi biển cũng chia cá trên biển cho bạn thuyền trong làng.

Ngư dân Trương Xa nói: “Ông Thẳng thơm thảo, gặp đàn cá lớn là chia sẻ ngay cho như dân trên biển. Dân làng tui mang ơn ông ấy. Có ông Thẳng, mỗi chuyến ra khơi bắt được nhiều cá nhờ vào cái tài nhạy bén con nước. Nhưng nhạy bén cũng có nhiều người, chỉ cái chuyện chia sẻ đàn cá mới là thơm thảo của tính tình trưởng thôn”.

Sống liêm khiết, nhưng ở đời cũng có kẻ ghen ghét gièm pha. Năm 2000, ông bị đâm đơn kiện lợi dụng chức quyền, tham tiền bạc. Công an vào điều tra, thường vụ Đảng ủy xã vào cuộc. Hai tháng liền ông mất ăn mất ngủ. Nhưng “vàng thật sợ chi lửa”, ông tin thế. Người dân biết tin ông bị kiện, viết đơn tập thể bảo vệ ông. Họ ký gần hết làng, còn một số người không ký, khoanh vùng và biết, có kẻ vì thấy ông làm được việc nên kiện cho bỏ ghét.

Lúc kết luận không có chuyện ông tham ô, cả nhà ông trút được gánh nặng. Viết đơn xin từ chức, vợ con ông đồng tình. Dân không đồng tình. Làng họp, nam phụ lão ấu bàn cả ngày trên cát. Thống nhất đệ đơn yêu cầu ông tiếp tục làm trưởng thôn. Trước ông đả thông cho người làng sống tốt. Nay người làng đả thông để ông giúp dân, giúp làng. Dân kéo đến nhà ông, nói đúng một đêm, ông nuốt nước mắt nhận lời, vẫn là trưởng thôn làng biển đến hôm nay.

Một cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình nhận định: Nói đến trưởng thôn, nhiều người nghi ngại đến tư cách của họ bởi có quá nhiều trưởng thôn lộng quyền đã bị chính dân làng phản ứng. Nhưng với ông Võ Quý Thẳng, đã 31 năm làm trưởng thôn là một kỳ tích của hình ảnh trưởng thôn ngay thẳng, liêm khiết. Biết vì lợi ích của dân làng mới được người làng yêu mến.

Minh Phong
(Sài Gòn giải phóng Online)

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập