Chi tiết bài viết

Tiếng trống khuyến học của thầy Dạn

10:9, Thứ Sáu, 7-6-2013

Đó là câu nói của người dân thôn Trúc Ly, xã Võ Ninh (Quảng Ninh) mỗi khi nghe tiếng trống vào lúc 19 giờ hàng ngày. Đã thành thói quen, sau khi nghe một hồi trống dài và ba tiếng trống vang lên trên hệ thống truyền thanh của thôn, các em học sinh thôn Trúc Ly ngồi vào góc học tập để học bài.

Lớn lên nơi vùng quê nghèo khó, quanh năm lặn lội sống nhờ nghề chài lưới dưới hói Trúc Ly và dọc sông Nhật Lệ, thầy Phạm Thanh Dạn được đi học, vào trường sư phạm, ra trường giảng dạy tại các trường tiểu học trên địa bàn huyện Quảng Ninh. Sau gần 39 năm miệt mài với trang giáo án, phấn trắng, bảng đen, được đồng nghiệp mến phục, học sinh tôn kính, năm 2010, thầy Dạn về nghỉ hưu và được Hội Khuyến học xã Võ Ninh động viên, Chi hội Khuyến học thôn Trúc Ly tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng.

Trước đây, học sinh các cấp là con em ở thôn Trúc Ly có những em buổi đi học buổi theo bố mẹ làm nghề chài lưới, nhiều em chơi bời lêu lỏng nên học “chưa đến nơi đến chốn”, bỏ học giữa chừng. Thầy trăn trở “làm sao thay đổi được nhận thức về việc học ở trong mỗi học sinh và trong các bậc phụ huynh". Thầy Dạn họp Ban chấp hành (BCH) Chi hội Khuyến học nêu ý tưởng về tiếng trống khuyến học của mình và được BCH đồng tình.

Thầy Phạm Thanh Dạn đánh trống khuyến học.


Thông qua BCH Hội Khuyến học xã và lãnh đạo thôn, gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo các trường học trên địa bàn có con em Trúc Ly học và được lãnh đạo các trường phấn khởi phối hợp. Vào buổi chào cờ thứ 2 đầu tuần, các trường học đều thông báo, dặn dò cho học sinh biết “Tiếng trống khuyến học” vào lúc 19 giờ hàng ngày và nhắc nhở học sinh thực hiện. Mặt khác, thông qua hệ thống truyền thanh của thôn, thầy tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của tiếng trống cho các bậc phụ huynh cùng nắm bắt để có trách nhiệm và tạo điều kiện cho con em học tập.

Mới đầu (từ tháng 10 năm 2010), sau khi đánh trống, các chị Nguyễn Thị Sương, Nguyễn Thị Gìn, Nguyễn Thị Hương và Hà Thị Hương trong BCH Chi hội Khuyến học, mỗi người một xóm tích cực đi từng nhà để kiểm tra việc học của con em. Riêng thầy Dạn, mỗi buổi tối kiểm tra mỗi xóm một vài gia đình. Mặc dù đã được các trường thông báo, nhắc nhở, được tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của thôn và trong các cuộc họp dân nhưng qua kiểm tra, vẫn còn một số học sinh dạo chơi ngoài đường, nhiều em chơi game, xem ti vi, không ít gia đình chưa quan tâm đến việc học của con em, không nhắc con ngồi học hoặc vẫn mở to các phương tiện nghe, nhìn, ảnh hưởng đến con em học bài.

Trước thực trạng đó, thầy Dạn cùng các chị trong BCH Chi hội Khuyến học giải thích, vận động các bậc phụ huynh và học sinh nên đầu tư thời gian cho học bài. Dần dần, các bậc phụ huynh và học sinh xác định được mục đích, động cơ học tập, thấy được lợi ích của việc học ở nhà vào buổi tối hàng ngày. Để “Tiếng trống khuyến học” ở thôn Trúc Ly hoạt động có nền nếp, hiệu quả, trong quá trình thực hiện, UBND xã Võ Ninh, Hội Khuyến học xã, các trường học trên địa bàn cùng cấp ủy, chính quyền và HTX dịch vụ nông nghiệp thôn Trúc Ly đã thực sự quan tâm giúp đỡ, phối hợp, tổ chức kiểm tra việc thực hiện.

Cùng với phong trào thi đua “Dạy tốt- học tốt” và các phong trào thi đua khác trong các nhà trường, “Tiếng trống khuyến học” từ tối thứ 2 đến tối thứ 6 hàng tuần của thầy Phạm Thanh Dạn được học sinh các cấp ở thôn Trúc Ly thực hiện có nền nếp, thực sự góp phần nâng cao chất lượng học tập của học sinh. Từ năm học 2010- 2011 đến nay, tỷ lệ học sinh yếu kém ở các khối lớp của học sinh trong thôn đã giảm hẳn, tỷ lệ học sinh khá, giỏi được nâng lên. Năm học 2011-2012, Chi hội Khuyến học thôn Trúc Ly đã phát thưởng cho 79 học sinh giỏi các cấp và 15 em thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh đạt giải. Trong số đó, có học sinh Trần Thị Thùy Linh, đạt giải nhất môn Toán và giải ba môn Ngữ văn lớp 6 cấp huyện, em Trần Thanh Đức đạt giải ba môn Hóa lớp 11 cấp tỉnh, em Trần Ngọc Dân giải khuyến khích môn Vật Lý lớp 11 cấp tỉnh.

Trong một lần về thăm quê, bác Phạm Văn Dũng, nghỉ hưu tại tỉnh Quảng Trị, biết thầy Phạm Thanh Dạn xây dựng thành công mô hình “Tiếng trống khuyến học” nên đã tự nguyện trích tiền hưu trí để ủng hộ suốt đời mỗi năm 500 nghìn đồng xây dựng quỹ khuyến học của thôn nhằm động viên con cháu học giỏi. Theo gương bác Phạm Văn Dũng, nhiều con em thôn Trúc Ly sinh sống trên mọi miền Tổ quốc và nhiều nhà hảo tâm cũng đã tự nguyện ủng hộ quỹ khuyến học của thôn và của xã.

Sau khi xây dựng “Tiếng trống khuyến học”, từ tháng 11 năm 2011, thầy Dạn tổ chức dạy thêm miễn phí cho các cháu học sinh lớp 1 và lớp 2 là con nhà nghèo ở trong thôn có học lực yếu kém. Ngoài giờ các cháu lên lớp, thầy thường xuyên dạy kèm cặp tại nhà để uốn nắn chữ viết, dạy cách đọc và phương pháp giải Toán theo chương trình đã học cho các cháu. Hàng tháng, hàng kỳ, thầy tranh thủ đến Trường TH số 2 Võ Ninh trao đổi với cô giáo chủ nhiệm có những học sinh được thầy dạy kèm cặp để cùng phối kết hợp, giúp các cháu học tập ngày càng tiến bộ.

Vừa qua, tại đại hội tổng kết biểu dương gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học của huyện Quảng Ninh, mô hình “Tiếng trống khuyến học” ở thôn Trúc Ly đã được đại hội ghi nhận, tuyên truyền nhân rộng, thầy Phạm Thanh Dạn đã vinh dự được các cấp Hội Khuyến học tuyên dương khen thưởng. Với 58 tuổi đời, 25 năm tuổi Đảng, được Nhà nước cho nghỉ hưu nhưng thầy giáo Phạm Thanh Dạn vẫn tâm huyết cống hiến không vì một chút mưu lợi riêng. “Tiếng trống khuyến học” của thầy đã thúc đẩy lòng hiếu học cho con em và nhân dân địa phương, được học sinh và nhân dân thôn Trúc Ly mến phục.

Đặng Hà

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập