Chi tiết bài viết

Qua Cổng Trời gieo chữ

11:33, Thứ Năm, 9-5-2013

Từ năm 2005 đến nay đã có nhiều thầy, cô giáo vượt quãng đường hàng trăm km qua Cổng Trời lên với bản Cha Lo, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa gieo chữ cho con em dân bản. Cuộc sống giữa núi rừng Trường Sơn còn nhiều khó khăn gian khổ nhưng với lòng yêu nghề, yêu trò họ đã nguyện gắn bó làm “người đưa đò” cho con em nơi đây đến với bến bờ tri thức, góp sức vào sự nghiệp “trồng người” nơi biên cương.

Qua Cổng Trời rồi chạm bản Cha Lo thì cơn mưa rừng bất chợt đổ xuống xối xả. Cuộc hành trình hơn 200 km từ thành phố Đồng Hới đã đưa tôi đến với những lớp học xa xôi nhất ở huyện Minh Hóa. Đó là điểm trường Cha Lo thuộc Trường tiểu học Bãi Dinh, xã Dân Hóa. Gọi là điểm trường nhưng ở đây chỉ có hai lớp học gồm 1 lớp 5 và lớp ghép 2, 3 do ba thầy cô giáo phụ trách.

Những lớp học đơn sơ tựa lưng dưới chân núi Giăng Màn khiến tôi không khỏi xúc động trước tình thầy trò và dân bản nơi đây. Hai lớp học chỉ có 17 học sinh nhưng thầy và trò vẫn say sưa dạy và học. Thấy người lạ vào, các em học sinh người Khùa và Sách mắt cứ tròn xoe nhìn. Thầy giáo Trương Quốc Huy, tổ phó phụ trách điểm trường tâm sự: “Ở đây, cuộc sống của bà con khó khăn lắm! Cái ăn còn chưa đủ no nhưng học sinh chăm chỉ đến lớp, thế là cũng vui lắm rồi”.

Cách đây khoảng 10 năm, số lượng trẻ em bản Cha Lo quá ít, điều kiện đi lại còn nhiều khó khăn nên chưa thể mở lớp. Đồng bào muốn biết chữ phải tìm đến lớp học xóa mù của bộ đội biên phòng. Năm 2005, điểm trường này được mở, khởi đầu cho sự nghiệp “trồng người” nơi biên cương.

Thầy giáo Đinh Hữu Đoàn, người đầu tiên lên Cha Lo cắm bản dạy chữ nhớ lại: “Ngày đó, điểm trường này chỉ là một căn nhà xiêu vẹo, chắn ván và được ngăn ra thành 2 phòng. Một phòng làm lớp học, một phòng làm nơi ở cho thầy. Để bám trụ nơi đây, tôi phải cơm đùm gạo bới lên ở, cả tháng trời mới về nhà được một lần”. Ngày ấy, bản Cha Lo vẫn còn heo hút giữa núi rừng hoang vu. Khu vực cửa khẩu chưa phát triển nên lượng người và xe qua lại rất ít. Đêm đến, thầy Đoàn lại gọi học trò đến để dạy thêm và nhờ học trò “dạy” lại tiếng dân tộc. Nhờ đó, mà tình cảm thầy trò, dân bản ngày càng gắn bó.

Thầy Trương Quốc Huy đang hướng dẫn học sinh học bài.


Tại điểm trường Cha Lo đã có nhiều thầy cô giáo lên cắm bản. Tiếp bước thầy Đoàn là các thầy Đinh Quang Thuận, Trương Quốc Huy, các cô Đinh Thị Mai Hoa, Đinh Thị Hiên... Mỗi người một quê, một hoàn cảnh nhưng tất cả đều chung chí hướng là gieo chữ cho con em vùng cao. Như trường hợp của thầy Thuận đã gắn bó với mảnh đất biên giới này hàng chục năm trời. Trong đó, có trên 5 năm dạy ở bản Cha Lo. Thầy kể lại: “Để dạy chữ cho học trò tốt hơn, chúng tôi phải học tiếng dân tộc của các em (chủ yếu là tiếng Khùa và tiếng Sách). Sau đó mới kết hợp với bộ đội biên phòng đến từng nhà dân vận động con em đến lớp. Lúc đầu, nhiều học sinh có vẻ ái ngại nên chúng tôi càng gần gũi, càng yêu thương hơn. Dần dần, học trò càng yêu quý thầy rồi tự nguyện đến lớp”.

Qua 5 năm cắm bản nơi biên cương Tổ quốc, thầy Trương Quốc Huy rút ra được bí quyết thành công nhất trong dạy học là yêu nghề, yêu trò. Thầy Huy nói: “Điều quan trọng là phải mang hết cái tâm, cái đức của mình đem truyền đạt cho học trò. Xem các cháu như con em của mình vậy. Ngoài ra, sống và gần gũi với dân, với học sinh để nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của bà con, chia sẻ khó khăn, gian khổ với họ. Như thế, đồng bào mới tin thầy giáo, mới cho con đi học”.

Em Hồ Thị Loan, một học sinh lớp 3 bộc bạch: “Chúng cháu rất thích đến lớp! Vì ở trường, các thầy cô giáo yêu thương cháu hết mực, lại dạy cho chúng cháu biết chữ nữa. Cháu sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này trở thành giáo viên như thầy Huy, thầy Thuận và cô Hoa”. Loan là học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhất ở đây. Em mồ côi cả cha lẫn mẹ và đang sống với ông bà ngoại. Cuộc sống nghèo khổ, thiếu thốn nhưng Loan và em trai của mình vẫn một lòng theo học con chữ Bác Hồ. Bởi trên bước đường đời của em luôn có sự dìu dắt của thầy cô giáo cắm bản. Nhờ đó mà nhiều năm liền, em đều đạt học sinh khá.

Trưởng bản Hồ Ka cho biết: “Bản Cha Lo có trên 20 hộ dân. Phần lớn bà con đều thuộc diện hộ nghèo. Trong bản chưa có lớp học mầm non và chỉ có hai lớp học ghép. Thấy cuộc sống của học trò vất vả khó khăn nên thầy cô dưới xuôi lên thường mang theo cho các cháu vài bộ quần áo cũ, sách vở, chia sẻ với các cháu và bà con dân bản từng lon gạo, gói mì tôm. Bà con dân bản mang ơn thầy cô giáo nhiều lắm!”.
Buổi học tan ca, chiều biên giới vẫn trút những trận mưa trắng xóa. Trong bữa cơm đạm bạc, thầy Huy lo lắng: “Không biết bây chừ Tân Hóa quê tôi nước lũ lên chưa?”. Rồi anh gọi điện cho vợ con trong niềm lo lắng. Đêm về, cả ba chúng tôi ngủ chung trong căn phòng chật chội.

Mưa ngoài trời như càng ngày nặng hạt, tôi nhớ về những câu chuyện ngày xưa: Tại Cổng Trời- Cha Lo đã có bao nhiêu người ngã xuống cho Tổ quốc hôm nay. Và bây giờ, trên mảnh đất anh hùng đó vẫn có những thầy cô giáo âm thầm viết nên những câu chuyện cổ tích đẹp thời hiện đại cho những học trò thân yêu.

Theo Báo Quảng Bình

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập