Chi tiết bài viết

Người thầy và bộ sưu tập hiện vật cổ

17:6, Thứ Sáu, 7-6-2013

36 hiện vật bằng đá có ý nghĩa khoa học to lớn thuộc nền văn hóa Hòa Bình kéo dài đến hậu kỳ đồ đá mới văn hóa Bàu Tró, vừa được một thầy giáo công bố. Điều đáng nói là địa điểm phát hiện những hiện vật này chỉ cách thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) khoảng 30km.

Đây là một phát hiện đã khiến những người làm công tác khảo cổ học phải ngỡ ngàng. Chủ nhân của bộ sưu tập độc đáo này là thầy giáo Lê Quốc Tường, giáo viên lịch sử Trường THCS Phú Định, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Mùa thu năm 1985, thầy được phân công giảng dạy bộ môn Lịch sử. Ngày đó, điều kiện của ngành Giáo dục còn hết sức khó khăn, nhất là ở một xã nghèo như Phú Định. Thương học trò nghèo sáng sớm đến trường với cái bụng rỗng tuếch; sách vở, bút giấy lại thiếu thốn đủ bề; thầy Tường lăn lộn từ làng trên, xóm dưới, sưu tầm, góp nhặt thêm tranh ảnh, vật liệu để làm thêm các loại mô hình học cụ phục vụ giảng dạy cho học sinh dễ hiểu.

Trong một lần nghỉ chân dưới gốc đa cổ thụ, tình cờ thấy một người đang mài viên đá lấy bột pha nước cho con uống. Thấy lạ, thầy cầm viên đá lên và vui sướng khẳng định: “Rìu đá - đúng là hiện vật cổ rồi”. Lâu nay, người dân trong vùng vẫn thường mài những vật này thành bột uống để chữa đau bụng, bởi theo họ: đó là lưỡi tầm sét của Thiên Lôi. Còn với thầy Tường thì khác, những kiến thức về phương pháp nghiên cứu lịch sử trong suốt 4 năm học Đại học đã giúp thầy khẳng định điều đó.

Thầy Tường đã vận động học sinh, phụ huynh tìm kiếm, gửi tặng nhà trường những mẫu hiện vật rìu đá. Kết quả thật bất ngờ, trong một thời gian ngắn, rất nhiều mẫu hiện vật rìu đá cổ được các em học sinh phát hiện, tìm thấy. Gần 30 năm gắn bó với nghiệp trồng người cũng là chừng ấy thời gian thầy Tường theo đuổi, gắn bó với công việc tìm kiếm, sưu tầm hiện vật đá cổ. Đến nay, bộ sưu tập của thầy đã có đến 36 hiện vật.

Thầy Lê Quốc Tường giới thiệu những chiếc rìu đá trong giờ học lịch sử với các em học sinh lớp 6 Trường THCS Phú Định (Ảnh: nhandan.com.vn)

Thầy Lê Quốc Tường cho biết: “Giá trị của những hiện vật này không phải ở số lượng nhiều hay ít, mà chính là sự đa dạng phong phú về chủng loại, hình thức, mẫu mã, chất liệu đá. Đây là cơ sở cực kỳ quan trọng để các nhà nghiên cứu có thể tiếp cận, tìm hiểu và có những lý giải sâu hơn về dấu tích của người Việt cổ ở vùng đất Phú Định này”.

Để khẳng định những gì nói là đúng sự thật, thầy Tường đã đồng ý để tôi đặt vấn đề với Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình cử cán bộ trực tiếp đánh giá giá trị của những hiện vật này.

Có mặt tại gia đình thầy Tường, sau khi thực hiện các phương pháp phân tích, so sánh, đối chiếu, quy nạp, bà Trần Thị Diệu Hồng - Trưởng phòng nghiệp vụ Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình hết sức ngỡ ngàng. Toàn bộ 36 hiện vật đều thuộc giai đoạn đầu của nền văn hóa Hòa Bình kéo dài đến hậu kỳ đồ đá mới văn hóa Bàu Tró, có niên đại khoảng 12.000 năm đến 3.500 năm trước công nguyên.

Bộ sưu tập góp mặt đầy đủ các mẫu vật, như: Mảnh tước, bôn đá, lưỡi cuốc, lưỡi rìu, phác vật rìu đá - những công cụ mà người nguyên thủy chế tạo để sử dụng trong lao động, sản xuất. Chất liệu được sử dụng cũng khá phong phú, từ những lưỡi rìu bằng đá cuội ghè đẽo một mặt đến các mẫu rìu vai xuôi, vai vuông được mài toàn thân. Đặc biệt, ngoài những mẫu vật rìu Hòa Bình, Hoa Lộc, Quỳnh Văn, Hạ Long, Phùng Nguyên, Bàu Tró, bộ sưu tập còn có một mẫu hiện vật rìu đá Bắc Sơn.

Đây là những hiện vật mà những nhà khảo cổ học trong và ngoài nước chưa phát hiện được trong những lần khai quật trước đó vào các năm 1923 và 1980 ở Quảng Bình. Bà Hồng khẳng định: “Phát hiện hết sức độc đáo và có giá trị khoa học vô cùng to lớn này đã đánh dấu địa danh Phú Định trở thành một địa chỉ mới trên bản đồ khảo cổ học của tỉnh Quảng Bình”.

Gần 30 năm sưu tầm, tìm kiếm, chưa lúc nào thầy giáo Lê Quốc Tường thôi trăn trở, suy nghĩ. Có lần, thầy đã phải lặng người chôn chân khi biết người dân đã bỏ đi nhiều hiện vật rìu đá phát hiện được trong lúc cày ruộng. Thầy Tường tiếc nuối: “Giá như mọi người hiểu biết đôi chút về những giá trị của hiện vật cổ, giá như mình không chậm chân thì bộ sưu tập đến giờ đã không dừng lại ở con số 36”.

Theo thầy Tường, Phú Định là một vùng đất khá đặc biệt với địa hình nhiều khe suối, hang đá, cây cối rậm rạp. Đây là vùng đất thích hợp để người nguyên thủy di cư, cư trú tạm thời. Và tại đây đã diễn ra sự trao đổi công cụ sản xuất giữa các nhóm người với nhau, chính điều đó đã làm nên sự có mặt những hiện vật, di chỉ của các nền văn hóa.

Khác với những di chỉ thuộc vùng cồn sò, cồn cát, cồn đất, phân bố dọc ven biển được khai quật trước đây, những hiện vật tìm thấy đã khẳng định: Phú Định thuộc di chỉ vùng gò đồi, trung du. Kiến thức về lịch sử và những kinh nghiệm rút ra sau gần 30 năm gắn bó với công việc này, giúp thầy Tường nhận định: Những di chỉ của các nền văn hóa được phân bố theo hình cánh cung từ Minh Hóa, Tuyên Hóa về Khương Hà, Phú Định (Bố Trạch) và xuống tận Bàu Tró (Đồng Hới).

Với những hiện vật cổ đã được phát hiện và những thông tin mà thầy Lê Quốc Tường cung cấp, chắc chắn đây sẽ là di chỉ khảo cổ học quy mô, có ý nghĩa khoa học to lớn, ẩn chứa nhiều hiện vật cổ rất có giá trị cần được khai quật, công bố.

Theo Đài PT-TH Quảng Bình

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập