Chi tiết bài viết

Tăng cường huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội

17:3, Thứ Ba, 13-12-2022

(Quang Binh Portal) - Năm 2022, các cấp, các ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung triển khai linh hoạt nhiều giải pháp thực hiện quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH), góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương.

Trong năm, UBND tỉnh luôn chú trọng bổ sung nguồn vốn ngân sách để Ngân hàng CSXH thực hiện tín dụng CSXH, đảm bảo kế hoạch đề ra tại Đề án Hỗ trợ tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua ủy thác nguồn vốn từ ngân sách địa phương sang Ngân hàng CSXH trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Đến nay, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 132,7 tỷ đồng, chiếm 3,05% tổng nguồn vốn, tăng 31,2 tỷ đồng so với năm 2021, trong đó ngân sách tỉnh 80,9 tỷ đồng, tăng 16,3 tỷ đồng; ngân sách huyện, thành phố 51,8 tỷ đồng, tăng 14,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành tham mưu bố trí nguồn vốn ngân sách cho hoạt động chính sách, an sinh xã hội trên địa bàn liên quan đến đối tượng thụ hưởng của các chương trình giảm nghèo, tạo việc làm, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi… 

Đến nay, 04 tổ chức chính trị - xã hội đang phối hợp với Ngân hàng CSXH tham gia quản lý cho vay ủy thác đạt 4.293,9 tỷ đồng, chiếm 99,3% tổng dư nợ, tăng so với năm 2021 là 623,4 tỷ đồng (+16,98%) với 2.203 Tổ Tiết kiệm và Vay vốn, trên 79 nghìn khách hàng còn dư nợ. Hàng năm, cấp ủy, chính quyền các cấp đã giao trách nhiệm, chỉ tiêu cụ thể cho các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị để giúp đỡ đến từng hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững. Các cấp Hội đã phối hợp với cơ quan chuyên môn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên tham gia mô hình sản xuất, liên kết sản xuất phù hợp với ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lựa chọn các nhân tố tích cực để hỗ trợ chuyển giao khoa học, kỹ thuật, đầu tư vốn tín dụng ưu đãi; xây dựng và nhân rộng điển hình, mô hình sản xuất kinh doanh gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm của từng địa phương, điển hình như mô hình nuôi cá lồng bè tại huyện Bố Trạch; mô hình trồng nấm, chăn nuôi gà, lợn tổng hợp tại huyện Quảng Trạch; mô hình trồng rừng tại huyện Minh Hóa; mô hình sản xuất hương tại thành phố Đồng Hới... 

Với 22 chương trình tín dụng chính sách đang triển khai, Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục tập trung ưu tiên nguồn lực, phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức hội nhận ủy thác, Tổ Tiết kiệm và Vay vốn đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn thu hồi, các chương trình tín dụng nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Hiện doanh số cho vay đạt trên 1.494 tỷ đồng; doanh số thu nợ trên 865 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 4.320 tỷ đồng, dư nợ tăng 626 tỷ đồng so với đầu năm (+17%) với trên 80 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. 

Kết quả, Ngân hàng CSXH đã giải ngân nguồn vốn tín dụng chính sách cho hơn 226 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần giúp 80.200 hộ vượt qua ngưỡng nghèo vươn lên phát triển sản xuất kinh doanh; có 2.600 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập; thu hút và tạo việc làm thường xuyên cho 10.800 lao động; xây dựng, sửa chữa nâng cấp trên 42.300 công trình nước sạch và môi trường ở nông thôn; 238 lao động có việc làm và thu nhập ổn định ở nước ngoài; trên 9.500 căn nhà cho hộ nghèo và đối tượng chính sách; 1.080 hộ gia đình, người lao động có thu nhập thấp được vay vốn nhà ở xã hội để xây dựng mới và sửa chữa nhà ở... 

Tuy nhiên, nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng CSXH còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách. Một số chương trình tín dụng chính sách có thời hạn cho vay dài, nhu cầu vay vốn lớn nhưng chưa cân đối được nguồn lực tương ứng; chất lượng tín dụng chính sách chưa đồng đều…

Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội, Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH các cấp, các sở, ban, ngành có liên quan tiếp tục phổ biến, quán triệt sâu sắc, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, các kế hoạch triển khai thực hiện của UBND tỉnh; tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng CSXH, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dưng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng, hiệu quả hoạt động các điểm giao dịch cấp xã, hoạt động của Tổ Tiết kiệm và Vay vốn; chủ động thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả, hạn chế thấp nhất nợ quá hạn; nâng cao hiệu quả phương thức ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội; tăng cường tổ chức tập huấn, phổ biến quy trình nghiệp vụ theo các quy định của Ngân hàng CSXH, các Bộ, ngành có liên quan đến cán bộ, viên chức, người lao động; bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, viên chức, người lao động, nhất là cán bộ làm công tác tín dụng CSXH ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Mặt khác, Ngân hàng CSXH phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tham mưu bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện tốt các chương trình mục tiêu Quốc gia…; thực hiện tốt công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng CSXH; tăng cường thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách tín dụng của Đảng, Nhà nước để người dân biết, tham gia vay vốn, đồng thời, chấp hành tốt nghĩa vụ khi vay vốn.

Ngoài ra, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện rà soát, đánh giá lại từng nội dung công việc nhận ủy thác để nâng cao vai trò, trách nhiệm và chất lượng hoạt động nhận ủy thác của đoàn thể; tăng cường phối hợp với chính quyền, Ngân hàng CSXH để tổ chức tốt công tác quản lý vốn tín dụng CSXH; tập trung rà soát, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ Tiết kiệm và Vay vốn, xử lý dứt điểm các tổ xếp loại yếu, giảm số tổ xếp loại trung bình; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn; hướng dẫn, giúp đỡ người vay sử dụng vốn thực sự có hiệu quả.

PV Mai Anh
 

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập