Chi tiết bài viết

Bố Trạch: Nỗ lực phổ cập giáo dục, xóa mù chữ

16:3, Thứ Tư, 14-12-2022

(Quang Binh Portal) - Năm 2022, tình hình kinh tế trên địa bàn huyện Bố Trạch phát triển ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, chuyển mạnh sang hướng tăng dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp nhưng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng. Sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, từng bước đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Đời sống Nhân dân cơ bản ổn định và được cải thiện nhưng một số vùng vẫn còn nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất phục vụ dạy học của các trường được Nhà nước, chính quyền và Nhân dân quan tâm đầu tư.

Sau khi được UBND tỉnh công nhận đơn vị đạt chuẩn phổ cập giáo dục (PCGD) mầm non (MN) cho trẻ 05 tuổi và tiếp tục công nhận đơn vị đạt chuẩn xóa mù chữ, chuẩn PCGD  tiểu học (TH), PCGD trung học cơ sở (THCS) năm 2021, Ban Chỉ đạo PCGD, xóa mù chữ (XMC) của huyện đã tổ chức họp để rút kinh nghiệm, có đánh giá bằng văn bản gửi về các đơn vị, phân công nhiệm vụ cho thành viên phụ trách theo từng cụm, vùng, giao trách nhiệm một cách cụ thể cho ban, ngành tiến hành chỉ đạo thực hiện; đồng thời thường xuyên đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của Nhân dân; đặc biệt là có giải pháp thực hiện công tác PCGD, XMC ở những địa bàn khó khăn; chỉ đạo 04 xã Tân Trạch, Thượng Trạch, Lâm Trạch, Xuân Trạch triển khai biện pháp duy trì, giữ vững kết quả PCGD, XMC mức độ 3 đã đạt được.

Bên cạnh đó, địa phương cũng phát huy vai trò, trách nhiệm của các Hội cơ sở xã, thị trấn để động viên con em trong độ tuổi đến trường, phối hợp với tổ chức, nhà trường, Hội Cha mẹ học sinh vận động học sinh bỏ học trở lại trường; đ¬ề ra chỉ tiêu thi đua cho từng hội viên và Chi hội; phối kết hợp chặt chẽ giữa các tổ chức đoàn thể, mối quan hệ mật thiết giữa Phòng Giáo dục và Đào tạo với Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề huyện, phòng, ban cấp huyện trong công tác chỉ đạo, tuyên truyền, tổ chức hoạt động về PCGD, XMC. Đối với các xã khó khăn, Ban Chỉ đạo PCGD, XMC huyện đã có những nội dung và giải pháp chỉ đạo cụ thể như huy động tối đa học sinh trong độ tuổi đến lớp; duy trì sĩ số học sinh hàng tháng, hàng kỳ, hạn chế tối đa học sinh bỏ học; tăng cường các biện pháp có hiệu quả để thu hút học sinh đến trường. 

Cùng với sự phát triển giáo dục nói chung, hệ thống mạng lưới trường lớp được quy hoạch phù hợp, đáp ứng được nhu cầu học tập của người học, việc xây dựng cơ sở vật chất trường học đã có bước tăng trưởng đáng kể 100% số trường được kiên cố hóa 02 tầng, nhiều trường đủ phòng học cho dạy học 01 ca, trên 90% trường TH, THCS, TH - THCS có khuôn viên đạt chuẩn “Xanh - Sạch - Đẹp”. Đến nay, trên địa bàn huyện có 70/108 trường đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia, đạt 64.8%. Tổng số phòng học của cả 03 cấp học toàn huyện 1.423 phòng, trong đó phòng kiên cố 1.020, còn lại là phòng bán kiên cố và phòng học mượn. Các trường TH, THCS đều có thư viện, thiết bị trường học, trang cấp bảng chống lóa cho các lớp học; tỷ lệ bàn ghế 02 chỗ ngồi đạt trên 98%, đảm bảo cho dạy và học 02 ca, tỷ lệ phòng học đã được trang cấp ti vi màn hình lớn, máy chiếu đạt trên 80%. Ngoài việc tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, các trường học đã tổ chức quản lý, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất hiện có, đặc biệt là sử dụng sáng tạo, có hiệu quả thiết bị đồ dùng dạy học. Đội ngũ cán bộ giáo viên ngày càng được nâng cao về năng lực và chuẩn hóa về trình độ, việc bố trí giáo viên hợp lí, đảm bảo đúng chuyên môn được đào tạo. Đội ngũ tận tụy với nghề, có phẩm chất đạo đức tốt, có ý chí phấn đấu vươn lên, có ý thức trách nhiệm và tinh thần tự bồi dưỡng để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục. 

Ngoài ra, các trường học đã xây dựng Quỹ “Vì học sinh nghèo”, “Tiếp sức cho học sinh đến trường”, “Sóng và máy tính cho em” ngay từ đầu năm học, kịp thời hỗ trợ nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn không thể đến trường hoặc không có thiết bị để tham gia học tập trực tuyến, vì vậy đã động viên kịp thời các em trở lại trường, tham gia học tập đảm bảo duy trì số lượng. Công tác giáo dục ở các đơn vị thuộc vùng có học sinh dân tộc trên địa bàn huyện được quan tâm thường xuyên, nhờ đó chất lượng dạy học và công tác PCGD ngày càng được nâng cao. Các trường học đã xây dựng hệ thống kế hoạch đồng bộ, thống nhất, tập trung trọng tâm nâng cao chất lượng dạy học, công tác PCGD, XMC; đổi mới công tác quản lý, phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng giờ dạy, góp phần nâng cao kết quả giáo dục toàn diện; tổ chức hoạt động ngoài giờ, hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với lứa tuổi học sinh, thu hút các em đến trường, thực hiện tốt cuộc vận động và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. 

Với những nỗ lực đó, trong năm 2022, công tác PCGD, XMC trên địa bàn huyện Bố Trạch đã đạt những kết quả nhất định. Cụ thể, trẻ 05 tuổi đã được huy động đến lớp đạt tỷ lệ 100%; trẻ 06 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục MN đạt 99,73% (tăng 0.12% so với năm 2021); trẻ 05 tuổi khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục 05/05 đạt 100%; toàn huyện có 28/28 xã, thị trấn đạt chuẩn PCGD MN cho trẻ 05 tuổi, chiếm tỷ lệ 100%; huyện đạt chuẩn PCGD MN cho trẻ 05 tuổi. Về PCGD TH, trẻ 06 tuổi đã được huy động vào lớp 01 đạt 99.97%; trẻ 11 - 14 tuổi hoàn thành chương trình TH đạt 99.7 %, số còn lại đang học TH; trẻ 11 tuổi đã hoàn thành chương trình TH đạt 99.12% (tăng 0.02 so với năm 2021); tỷ lệ trẻ 06 - 14 tuổi khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục đạt 98.06; toàn huyện có 28/28 (100%) xã, thị trấn đạt chuẩn PCGD TH mức độ 3, huyện đạt chuẩn PCGD TH mức độ 3. Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ hoàn thành chương trình TH vào lớp 6 đạt 100%; tỷ lệ học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS đạt 99.39%; tỷ lệ thanh thiếu niên 15 - 18 tuổi tốt nghiệp THCS đạt 98.37, (tăng 0.37% so với năm 2021); thanh thiếu niên 15 - 18 tuổi đã và đang học chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên cấp THPT hoặc giáo dục nghề nghiệp đạt 91.81% (tăng 0.81% so với năm 2021); thanh thiếu niên 11 - 18 tuổi khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục đạt 90.3% (tăng 5.3% so với năm 2021); số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 3 là 28/28, đạt tỷ lệ 100%; huyện đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 3l; 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; huyện đạt chuẩn XMC mức độ 2.

Những kết quả đạt được của Đảng bộ, Nhân dân, ngành Giáo dục và Đào tạo trong những năm qua, đặc biệt là năm 2022 về công tác PCGD, XMC là rất đáng kể. Song việc giữ vững và nâng cao kết quả PCGD, XMC ở tất cả các đơn vị trong toàn huyện đòi hỏi phải có một sự nỗ lực lớn của các cấp, chính quyền, các ban, ngành và của các nhà trường với giải pháp cụ thể phù hợp. Do đó, nhiệm vụ của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các lực lượng xã hội cùng ngành Giáo dục và Đào tạo phải phấn đấu nhiều hơn nữa để PCGD, XMC của huyện Bố Trạch tiếp tục duy trì vững chắc trong những năm tiếp theo. Trong đó, việc triển khai công tác PCGD, XMC phải được tiến hành thường xuyên, tích cực và đồng bộ; xác định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, Chính quyền và sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị ở địa phương có tính quyết định đến việc củng cố vững chắc kết quả PCGD, XMC; tăng cường công tác chỉ đạo, tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia tích cực vào công tác PCGD, XMC, làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục; phải kết hợp tốt giữa công tác tuyên truyền với việc thực hiện một số chính sách đặc biệt nhằm động viên, hỗ trợ học sinh đến trường, các chính sách phải thiết thực và hiệu quả, nhất là đối với địa bàn khó khăn; chăm lo công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ giáo viên trong và ngoài biên chế; thực hiện đúng chế độ chính sách cho giáo viên hợp đồng, tổ chức bồi dưỡng thực tế để họ có kỹ năng nghề nghiệp tốt...

PV Hồng Mến
 

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập