Chi tiết bài viết

Những kết quả đạt được trong công tác thi hành pháp luật về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2006 - 2022 trên địa bàn tỉnh

16:41, Thứ Tư, 14-12-2022

(Quang Binh Portal) - Là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất của sự ô nhiễm bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, trong những năm qua, Quảng Bình đã tích cực triển khai công tác khắc phục hậu quả bom mìn (KPHQBM) sau chiến tranh, đặc biệt là các hoạt động khảo sát, rà phá bom mìn; giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn; hỗ trợ nạn nhân bom mìn từ các dự án hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ, chương trình dự án của tỉnh, dự án do các tổ chức phi chính phủ thực hiện. 

Trong quá trình triển khai thực hiện công tác KPHQBM sau chiến tranh, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương phối hợp tổ chức có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ, lồng ghép phổ biến quy định về quản lý hoạt động KPHQBM, vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ… Với hình thức tuyên truyền đa dạng, nội dung và phương pháp phù hợp với từng đối tượng, các hoạt động như mít tinh, diễu hành, triển lãm, tổ chức cuộc thi, xây dựng video clip, tiểu phẩm, phóng sự, pa nô, áp phích, sản xuất ấn phẩm đã góp phần nâng cao nhận thức cho các tầng lớp Nhân dân, làm giảm thiểu tai nạn bom mìn. 

Cùng với đó, tỉnh đã cũng chỉ đạo sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và đơn vị, địa phương thực hiện tốt việc triển khai dự án hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ, dự án do các tổ chức phi chính phủ tài trợ KPHQBM sau chiến tranh, cụ thể: Dự án Rà phá bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh tại tỉnh giai đoạn 1 (2010 - 2011), giai đoạn 2 (2013 - 2014) dò tìm được 5.052 ha, thu hồi, xử lý 17.331 bom đạn, vật nổ các loại; Dự án Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác KPHQBM sau chiến tranh thực hiện từ năm 2018 - 2021 đã tiến hành rà phá bom mìn với tổng diện tích 11.772 ha; Dự án MAG hoạt động từ 2003 đến nay khảo sát kỹ thuật, rà phá bom mìn được 4.624 ha, thu hồi và xử lý 140.118 bom đạn, vật nổ các loại; Dự án Peace Trees hoạt động từ 01/2011 - 5/2012 và từ 2021 đến nay có tổng diện tích khảo sát kỹ thuật, rà phá bom mìn được 245 ha, thu hồi và xử lý 4.942 bom đạn, vật nổ các loại; Dự án “Khảo sát dấu vết bom chùm (CMRS) tại tỉnh Quảng Bình” do NPA tài trợ hoạt động từ 2021 đến nay khảo sát 4.704 ha, thu hồi và bàn giao xử lý 1.603 bom đạn, vật nổ các loại.

Riêng trong năm 2016 và 2018, Quảng Bình đã chủ động phối hợp với Tổ chức Golden West về việc tư vấn kỹ thuật, tập huấn và hợp tác xây dựng năng lực phục vụ công tác rà phá bom mìn, vật nổ sau chiến tranh theo Tiêu chuẩn hành động mìn quốc tế IMAS cấp độ I, II bảo đảm chất lượng, an toàn (IMAS cấp độ 1 thực hiện năm 2016, đã cấp Chứng chỉ cho 24 người; IMAS cấp độ 2 đến năm 2018 cấp Chứng chỉ cho 16 người). Tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, phương phối hợp triển khai Dự án Đơn vị Cơ sở dữ liệu và điều phối hoạt động KPHQBM sau chiến tranh tỉnh (DBCU) do Tổ chức NPA tài trợ đi vào hoạt động. Theo đó, Dự án DBCU đã đào tạo, cấp Chứng chỉ Quản trị viên IMSMA cho 11 người tham gia hoạt động KPHQBM sau chiến tranh; thiết lập biểu mẫu báo cáo hiện trường tiêu chuẩn dựa trên mẫu hiện hành của VNMAC; đồng thời xây dựng bản đồ cơ sở và hệ thống lưới tiêu chuẩn cho công tác KPHQBM.

Đặc biệt, những năm qua, với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể và Nhân dân toàn tỉnh cùng sự hợp tác giúp đỡ quý báu của tổ chức quốc tế gồm MAG, NPA, PTNV, Landmine Survivors Network, Clear Path International, Zhishan Foundation, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, Hội Vì sự phát triển của người khuyết tật tỉnh (AEPD)... công tác khắc KPHQBM sau chiến tranh đã đạt được nhiều kết quả thiết thực, cụ thể: Tiến hành khảo sát, rà phá, thu gom, xử lý được hàng triệu bom, mìn và vật nổ các loại; giải phóng hàng trăm nghìn ha đất, góp phần tái tạo quỹ đất, bảo đảm môi trường, điều kiện an toàn cho sản xuất, giảm thiểu tai nạn, thương tích do bom mìn; hỗ trợ nạn nhân bom mìn, bao gồm hỗ trợ về y tế, sinh kế, việc làm, hòa nhập cộng đồng...

Tuy nhiên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương trong việc KPHQBM có thời điểm chưa kịp thời, chất lượng, hiệu quả còn thấp. Hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục về KPHQBM, vật nổ chưa được thường xuyên, hình thức tuyên truyền chưa phong phú, đa dạng, chưa sâu sát, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Công tác KPHQBM, vật nổ ở một số địa bàn chưa được chú trọng, còn chậm, thậm chí bỏ qua bước kiểm tra bom mìn, vật nổ trước khi tiến hành thi công xây lắp. Năng lực của các lực lượng đảm nhiệm nhiệm vụ dò tìm, xử lý bom mìn, vật nổ còn hạn chế. Hầu hết các đơn vị, doanh nghiệp được phép hoạt động trong lĩnh vực này đều thiếu chuyên gia, kỹ thuật viên, nhân viên chuyên môn kỹ thuật trình độ cao và trang thiết bị dò tìm, xử lý hiện đại. Việc giải quyết chế độ, chính sách, hỗ trợ nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng còn gặp khó khăn cả về cơ chế, chính sách và nguồn lực… 

Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước về KPHQBM trong tình hình mới, toàn tỉnh tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về quan điểm, chủ trương của Đảng, Chính phủ đối với công tác KPHQBM và chất độc hóa học sau chiến tranh, trọng tâm là Chương trình hành động Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh; Nghị định 18/2019/NĐ-CP, ngày 01/02/2019 của Chính phủ “về quản lý và thực hiện hoạt động KPHQBM, vật nổ sau chiến tranh”; tuyên truyền về tác hại, hậu quả, phổ biến kiến thức, biện pháp phòng tránh tai nạn, thương tích do bom mìn, vật nổ, chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh gây ra; kết quả thực hiện dự án, nhiệm vụ khắc phục hậu quả, những mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả cũng như nhiều khó khăn, thách thức, yêu cầu mới đặt ra... nhằm nâng cao nhận thức, ý thức cũng như tạo sự đồng thuận cao của các cấp, ngành, tổ chức xã hội và Nhân dân về nhiệm vụ cấp bách của công tác KPHQBM, vật nổ.

Mặt khác, các sở, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện cơ chế, quy chế thu thập, cập nhật và cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu Quốc gia về ô nhiễm bom mìn, chất độc hóa học làm cơ sở xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch rà phá, xử lý; hoàn thiện cơ chế phối hợp chỉ đạo, hoạt động giữa cơ quan chức năng quản lý Nhà nước, địa phương, đơn vị để đảm bảo sự phối, kết hợp chặt chẽ hơn; phát huy cao nhất chức năng của từng Bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh Quốc gia; quan tâm kiện toàn tổ chức, đầu tư đổi mới công nghệ, hiện đại hóa trang thiết bị, nâng cao năng lực của lực lượng rà phá, xử lý bom mìn, bảo đảm đủ khả năng làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ trên phạm vi cả nước; tích cực tranh thủ sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, mở rộng hợp tác, huy động nguồn ngoại lực, kết hợp nội lực với ngoại lực trong quá trình thực hiện...

Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền đối ngoại để Chính phủ các nước, tổ chức quốc tế và Nhân dân thế giới hiểu rõ hơn về hậu quả bom mìn sau chiến tranh, những khó khăn, thách thức của Việt Nam và quan điểm của Đảng, Nhà nước trong việc KPHQBM, tạo sự ủng hộ, hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa từ cộng đồng quốc tế để có thêm nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ, đề xuất hỗ trợ về năng lực dò tìm, xử lý bom, mìn dưới biển và chế tạo trang thiết bị dò tìm, xử lý bom, mìn KPHQBM sau chiến tranh ở Việt Nam nói chung, tại tỉnh Quảng Bình nói riêng…

Từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ, ban, ngành cùng với sự nỗ lực vượt bậc của cấp ủy, chính quyền địa phương và hợp tác giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, công tác KPHQBM sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giải phóng, làm “sạch” hàng trăm nghìn héc-ta đất, giúp tái tạo quỹ đất, bảo đảm môi trường, an toàn cho sản xuất, đời sống của Nhân dân, giảm thiểu tai nạn, thương tích do bom mìn, vật nổ gây ra và hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống. 

PV Minh Huyền

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập