Chi tiết bài viết

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp

9:45, Thứ Năm, 21-6-2018

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA BAN QLDA ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH DÂN DỤNG VÀ CÔNG NGHIỆP

1. Chức năng

Chức năng của Ban Quản lý Dự án quy định tại Khoản 2 Điều 63 của Luật Xây dựng năm 2014, Khoản 3 Điều 17 của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP của Chính phủ, Khoản 7 Điều 1 Nghị định số 42/2017/NĐ-CP của Chính phủ và Khoản 2 Điều 7 của Thông tư số 16/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng, cụ thể như sau:

- Làm chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng thuộc lĩnh vực dân dụng và công nghiệp sử dụng vốn ngân sách, vốn Nhà nước ngoài ngân sách do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định đầu tư, trừ các trường hợp do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định giao cho cơ quan, tổ chức khác làm chủ đầu tư;

- Tiếp nhận và quản lý sử dụng vốn để đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật;

- Thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư, Ban Quản lý Dự án quy định tại Điều 68, Điều 69 của Luật Xây dựng năm 2014 và quy định của pháp luật có liên quan;

- Thực hiện các chức năng khác khi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quản lý dự án theo quy định tại Điều 8  Thông tư số 16/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng;

- Bàn giao công trình xây dựng hoàn thành cho chủ đầu tư, chủ quản lý sử dụng công trình khi kết thúc xây dựng hoặc trực tiếp quản lý vận hành, khai thác sử dụng công trình hoàn thành theo yêu cầu của người quyết định đầu tư;

- Nhận ủy thác quản lý dự án của các chủ đầu tư khác khi được yêu cầu và các hợp đồng tư vấn xây dựng khác khi có đủ năng lực để thực hiện trên cơ sở đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ quản lý các dự án đã được giao.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn

Ban Quản lý Dự án thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định tại Điều 68, Điều 69 Luật Xây dựng năm 2014, Khoản 7 Điều 1 Nghị định số 42/2017/NĐ-CP của Chính phủ và Điều 8 Thông tư số 16/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng, cụ thể:

- Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chủ đầu tư gồm:

+ Lập kế hoạch dự án: Lập, trình phê duyệt kế hoạch thực hiện dự án hàng năm, trong đó phải xác định rõ các nguồn lực sử dụng, tiến độ thực hiện, thời hạn hoàn thành, mục tiêu chất lượng và tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện;

+ Tổ chức thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng: Thực hiện các thủ tục liên quan đến quy hoạch xây dựng, sử dụng đất đai, tài nguyên, hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ cảnh quan, môi trường, phòng chống cháy nổ có liên quan đến xây dựng công trình; tổ chức lập dự án, trình thẩm định, phê duyệt dự án theo quy định; tiếp nhận, giải ngân vốn đầu tư và thực hiện các công việc chuẩn bị dự án khác;

+ Các nhiệm vụ thực hiện dự án: Thuê tư vấn thực hiện khảo sát, thiết kế xây dựng và trình thẩm định, phê duyệt hoặc tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng (theo phân cấp); chủ trì phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư (nếu có) và thu hồi, giao nhận đất để thực hiện dự án; tổ chức lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng xây dựng; giám sát quá trình thực hiện; giải ngân, thanh toán theo hợp đồng xây dựng và các công việc cần thiết khác;

+ Các nhiệm vụ kết thúc xây dựng, bàn giao công trình để vận hành, sử dụng: Tổ chức nghiệm thu, bàn giao công trình hoàn thành; vận hành chạy thử; quyết toán, thanh lý hợp đồng xây dựng, quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình và bảo hành công trình;

+ Các nhiệm vụ quản lý tài chính và giải ngân: Tiếp nhận, giải ngân vốn theo tiến độ thực hiện dự án và hợp đồng ký kết với nhà thầu xây dựng; thực hiện chế độ quản lý tài chính, tài sản của Ban quản lý dự án theo quy định;

+ Các nhiệm vụ hành chính, điều phối và trách nhiệm giải trình: Tổ chức văn phòng và quản lý nhân sự Ban quản lý dự án; thực hiện chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, viên chức thuộc phạm vi quản lý; thiết lập hệ thống thông tin nội bộ và lưu trữ thông tin; cung cấp thông tin và giải trình chính xác, kịp thời về hoạt động của Ban quản lý dự án theo yêu cầu của người quyết định đầu tư và của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

+ Các nhiệm vụ giám sát, đánh giá và báo cáo: thực hiện giám sát đánh giá đầu tư theo quy định pháp luật; định kỳ đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện dự án với người quyết định đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

- Thực hiện các nhiệm vụ quản lý dự án gồm:

+ Tổ chức thực hiện các nội dung quản lý dự án theo quy định tại Điều 66 và Điều 67 của Luật Xây dựng năm 2014;

+ Phối hợp hoạt động với tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện dự án để bảo đảm yêu cầu về tiến độ, chất lượng, chi phí, an toàn và bảo vệ môi trường;

+ Thực hiện các nhiệm vụ quản lý dự án khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, chủ đầu tư giao hoặc ủy quyền thực hiện.

- Nhận ủy thác quản lý dự án theo hợp đồng ký kết với các chủ đầu tư khác khi được yêu cầu, phù hợp với năng lực hoạt động của mình.

- Giám sát thi công xây dựng công trình và các hoạt động tư vấn khác khi đủ điều kiện năng lực hoạt động theo quy định của pháp luật.

- Tham gia tư vấn quản lý các dự án khác khi có yêu cầu.

3. Cơ cấu tổ chức

a) Các chức danh chủ chốt của Ban Quản lý Dự án:

Các chức danh chủ chốt của Ban Quản lý Dự án gồm: Giám đốc, không quá 03 Phó Giám đốc, Kế toán trưởng.

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, cho từ chức, nghỉ hưu và thực hiện chế độ, chính sách khác đối với Giám đốc, các Phó Giám đốc và Kế toán trưởng do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý cán bộ của tỉnh.

b) Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Ban Quản lý Dự án:

Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Ban Quản lý Dự án có 05- 06 Phòng, gồm:

- Văn phòng Ban Quản lý Dự án (thực hiện cả nhiệm vụ kế hoạch, tổng hợp);

- Phòng Kỹ thuật - Thẩm định;

- Phòng Tài chính - Kế toán;

- Phòng Điều hành dự án 1;

- Phòng Điều hành dự án 2;

- Phòng Dịch vụ tư vấn.

Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ có Trưởng phòng, không quá 02 Phó Trưởng phòng. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách khác đối với Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng do Giám đốc Ban Quản lý Dự án quyết định theo quy định của pháp luật và phân công, phân cấp quản lý cán bộ, viên chức của tỉnh. Trường hợp khối lượng công việc ít thì chỉ thành lập một phòng Điều hành dự án.

Nguồn: Quyết định số 3343/QĐ-UBND ngày 22/9/2017

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập