Chi tiết bài viết

Những điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi

15:24, Thứ Hai, 2-3-2015

(Quang Binh Portal) - Trong những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng đã trở thành một phong trào thiết thực, thu hút đông đảo các tầng lớp nông dân trong tỉnh tích cực tham gia. Những đóng góp của họ đã làm thay đổi diện mạo của địa phương, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân vùng nông thôn, thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Từ phong trào trên, đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương nông dân vượt khó thoát nghèo, vươn lên làm giàu, tiêu biểu là tấm gương của anh Nguyễn Xuân Hải ở xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy. Với mô hình dịch vụ xây dựng dân dụng, trang trại nuôi trồng thủy sản, phát triển chăn nuôi, anh đã tạo việc làm thường xuyên cho 47 lao động nông thôn, thu nhập ổn định từ 3 - 4,5 triệu/tháng/lao động. Hàng năm, doanh thu từ dịch vụ xây dựng dân dụng, trang trại nuôi trồng thủy sản, phát triển chăn nuôi trên 5,5 tỷ đồng, thu lãi hơn 01 tỷ đồng. Bên cạnh đó, anh còn tích cực phổ biến, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất cho hội viên, nông dân biết, áp dụng để nâng cao hiệu quả kinh tế của gia đình.

Ở huyện Bố Trạch, anh Nguyễn Đức Trung (xã Đức Trạch) được các hội viên Hội Nông dân biết đến với vai trò là Tổ trưởng Tổ hợp tác khai thác hải sản trên biển. Tổ hợp tác do anh phụ trách gồm 11 tàu vừa khai thác, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, thông tin ngư trường, tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ nhau về vốn và kỹ thuật khai thác hải sản, vừa liên kết bảo vệ nhau khi có tàu nước ngoài xâm phạm đe dọa... Thực hiện chủ trương của Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn hoán đổi tàu nên gia đình anh đã cải hoán tàu có công suất 725 CV để đánh bắt hải sản xa bờ với thu nhập 01 tỷ đồng/năm; tạo việc làm thường xuyên cho 06 lao động, thu nhập bình quân 130 triệu đồng/năm/lao động. Ngoài ra, anh còn tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật trong khai thác, đánh bắt hải sản; giúp đỡ các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên; đóng góp xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng nông thôn mới… Với những kết quả đạt được, anh Nguyễn Đức Trung đã được nhận giải thưởng “Lương Định Của” và Bằng khen “Tổ hợp tác khai thác hải sản Tân Tiến”.

Tại thành phố Đồng Hới, mô hình mộc mỹ nghệ của chị Phạm Thị Hoa ở phường Phú Hải đã tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động, có mức thu nhập ổn định từ 4 - 5 triệu đồng/lao động/tháng. Chị Nhung cho biết, gia đình chị đã đầu tư 1,5 tỷ đồng để xây dựng xưởng sản xuất với 2.500m2, mua sắm trang thiết bị hiện đại như máy cưa, máy liên hoàn, máy bào, máy khoan, ô tô tải phục vụ vận chuyển hàng hóa. Xưởng sản xuất mộc mỹ nghệ của chị chủ yếu cung ứng, phân phối sản phẩm giường, tủ, bàn, ghế… sỉ và lẻ cho 25 đại lý trên địa bàn tỉnh. Doanh thu đạt 01 tỷ đồng/năm, lãi 200 triệu đồng/năm. Bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chị luôn có tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ các hộ có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, chị đã giúp đỡ 03 hộ nghèo phát triển sản xuất, kinh doanh và 05 em con hội viên có hoàn cảnh khó khăn đến trường, đồng thời tặng gường, tủ, bàn ghế cho gia đình hội viên nghèo...

Với mô hình trồng rừng, chăn nuôi gia súc, sản xuất vật liệu xây dựng, dịch vụ phân bón trả chậm cho nông dân, anh Đặng Thanh Long ở xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 30 lao động với thu nhập bình quân 4 - 4,5 triệu đồng/lao động/tháng. Bên cạnh đó, anh còn tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay, mô hình của anh có 10 ha keo lai, 20 con bò lai sinh sản, 02 xe ô tô vận tải nhỏ, máy in gạch không nung... Ngoài ra, anh còn kinh doanh dịch vụ phân bón trả chậm, cho hội viên nông dân nợ phân bón, đến khi thu hoạch mới thu tiền, đồng thời giúp đỡ 08 hộ nghèo vươn lên thoát nghèo; hỗ trợ thường xuyên cho 07 hộ nghèo trong sản xuất và đời sống, 03 cháu tàn tật về tiền và các vật dụng sinh hoạt khác. Hàng năm, anh còn tặng 20 phần quà cho các cháu mồ cô không nơi nương tựa; hỗ trợ cho 02 gia đình đơn thân nuôi con nhỏ về tiền, các vật dụng gia đình…

Đó chỉ là một số điển hình nông dân chịu khó tìm tòi vượt khó, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi điển hình đều có cách làm riêng nhưng họ đều khẳng định được vai trò của nông dân trong phát triển kinh tế và giống nhau ở nghị lực, lòng tin về khả năng làm giàu từ chính nghề nông của mình. Đây cũng chính là những mô hình giúp các hộ nông dân có động lực phát huy khả năng sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu, góp phần xây dựng nông thôn mới.
 

Mai Anh

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập