Chi tiết bài viết

Dâng mật ngọt cho đời

16:8, Thứ Hai, 5-1-2015

 Một người nông dân quyết tâm từ giã cây lúa rẫy trên mảnh đất nghèo Minh Hóa để lập nghiệp, trở thành triệu phú nơi “cửa ngõ” thị trấn Đồng Lê; một cựu chiến binh trở thành “đại gia” từ xuất phát điểm hai bàn tay trắng ở xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa; một thủ lĩnh Đoàn Thanh niên chắt chiu “quả ngọt” từ rừng... Mỗi người có một cách riêng để từ giã nghèo khó nhưng ở họ cùng chung khát khao làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Với chúng tôi, họ như những con ong cần mẫn dâng mật ngọt cho đời.

 Chân dung một “đại gia”

Hơn 30 năm đã trôi qua kể từ ngày rời quân ngũ nhưng khí chất người lính Cụ Hồ vẫn ngời lên trên gương mặt cương nghị của ông khi nói về quãng thời gian thăng trầm trở thành tỷ phú từ hai bàn tay trắng. Người mà chúng tôi đang nói đến là cựu chiến binh Nguyễn Xuân Thiết, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Đại Thạch, có trụ sở tại xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa.

Năm 19 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Xuân Thiết nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc và được biên chế về đơn vị bộ đội ở đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. 5 năm sau, anh trở về quê hương, cưới vợ và ra riêng với tài sản là một căn nhà lá đơn sơ tại thôn Tân Sơn, xã Hương Hóa. Những đứa con lần lượt ra đời đồng nghĩa với sự khốn khó ngày càng tăng thêm.

Anh tâm sự: “Bằng nhiệt huyết tuổi trẻ, tôi đã tham gia rất nhiều cương vị công tác tại địa phương như Bí thư Chi đoàn Hợp tác xã Tân Sơn, rồi Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã; tiếp đó, tôi bươn chải ra tận các tỉnh Hải Dương, lên Hà Nội làm dịch vụ cung ứng vật tư, lâm sản để có thêm thu nhập nhưng nghèo khó vẫn đeo bám... Vị giám đốc bỏ dở câu chuyện rồi bật cười khanh khách như một biểu hiện thách thức sự nghèo khó.

“Thủ lĩnh” thanh niên Đặng Thanh Văn kiểm tra rừng keo lai sắp đến kỳ cho thu hoạch.

Mọi chuyện thay đổi từ năm 2002 khi Xí nghiệp Xây dựng và Thương mại Đại Thạch do anh làm chủ ra đời. Buổi đầu khai sinh, vốn của đơn vị chỉ có 500 triệu đồng do anh tích cóp và vay mượn từ những người bạn một thời binh nghiệp trên khắp cả nước. Khó khăn bước đầu cũng dần qua, bài học kinh nghiệm được rút ra ngày một dày thêm, cộng với bản lĩnh của người lính Cụ Hồ giúp anh vững vàng chèo lái xí nghiệp hoạt động ngày một ăn nên làm ra.

Bây giờ, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Đại Thạch đã thay thế cho cái xí nghiệp nhỏ bé ngày nào với vốn điều lệ lên đến 6 tỷ đồng và có doanh thu bình quân mỗi năm 15 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 50 lao động địa phương với mức thu nhập từ 3 - 7 triệu đồng/người/tháng. Có một điều làm tôi bất ngờ là vị giám đốc vốn rất bận rộn Nguyễn Xuân Thiết là ngoài khối tài sản lên đến hàng chục tỷ đồng ấy, ông còn sở hữu một cánh rừng rộng 15ha tái sinh với hàng chục vạn cây gỗ quý các loại như lim, gụ, huỵnh, bài lài... cùng 15ha rừng trồng keo lai.

Không chỉ là một doanh nhân thành đạt, một “đại gia” giàu có, cựu chiến binh Nguyễn Xuân Thiết còn là người rất giàu lòng nhân ái. Ngoài 4 người con đã được anh và vợ chăm sóc, được học hành đỗ đạt (cả 4 người con đều tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định), anh còn là bố nuôi của một cậu bé đánh giày quê ở Hà Tĩnh. Cậu bé đánh giày mà anh gặp khi một mình lang thang trên các chuyến tàu chợ, bị ngã gãy tay từ những năm 90 ấy được anh đích thân mang vào Huế chữa bệnh, cho ăn học giờ đã trở thành bác sỹ giỏi của Bệnh viện Đa khoa huyện Tuyên Hóa.

Hạ sơn để... thành triệu phú nông dân

Người nông dân chúng tôi muốn nói đến ở đây là ông Đinh Trọng Lưỡng, 48 tuổi ở thôn Bắc Sơn, xã Sơn Hóa, huyện Tuyên Hóa. Sinh ra và lớn lên ở xã Hồng Hóa, huyện Minh Hóa, tuổi thơ của Đinh Trọng Lưỡng là những chuỗi ngày theo mẹ lên rẫy trồng lúa; lớn lên một chút lại theo bố vào rừng làm kiếp “lâm tặc”. Mãi đến năm 26 tuổi, ông lập gia đình rồi dắt díu vợ con “hạ sơn”, làm kinh tế mới tại xã Sơn Hóa (Tuyên Hóa).

Nói là “hạ sơn”, không còn cảnh lúa rẫy rừng thiêng nhưng vùng đất thôn Bắc Sơn của xã Sơn Hóa ngày ấy cũng chỉ toàn đồi núi trọc, hoang vu, dân cư thưa thớt. Để bảo đảm thu nhập nuôi sống gia đình, ông ngày đêm khai hoang vỡ đất trồng sắn, khoai nhưng nghèo khó vẫn luôn đeo bám. Trong thời gian này, vợ ông lại sinh một mạch liên tiếp 4 đứa con gái. Trong tình cảnh nhiều người ăn mà ít người làm, cuộc sống gia đình ông dần đi vào bế tắc.

Ông Lưỡng tâm sự: “Tui quyết tâm phải tìm cách thoát nghèo chứ không thể để gia đình sống vạ vật mãi được. Thấy hàng xóm nhà mô cũng nuôi lợn, dù số lượng ít nhưng vẫn dành dụm được chút tiền khi xuất bán, tui quyết tâm thực hiện “chiến lược” thoát nghèo từ mô hình này”. Nói là làm, ban đầu, ông bàn với vợ xây chuồng nuôi lợn nái. Lợn đẻ, ông không xuất bán mà tiếp tục giữ lại nuôi lợn thịt. Cứ thế, số lượng tăng dần lên, chuồng trại rộng thêm ra. Bây giờ, vợ chồng ông đã có một cơ ngơi tiền tỷ với trên 50 ô chuồng trại chăn nuôi thường xuyên với 30 con lợn nái và 300 con lợn thịt.

Vui với thành quả đạt được nhưng ông Lưỡng không bao giờ quên những bài học đắt giá có được từ những lần thua lỗ. Ông kể: “Năm 2008, hàng chục con lợn thịt của tui nhiễm bệnh, tốn không biết bao nhiêu tiền thuốc, rồi giá cả thức ăn tăng cao mà giá thịt lợn thương phẩm lại giảm. Năm đó, vợ chồng tui lỗ đến mấy chục triệu đồng, xem như cụt vốn”...

Dẫu thế ông vẫn không bỏ cuộc. Một “chiến lược” mới được ông đưa ra và tiếp tục thực hiện là tự nghiên cứu kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi, tiêm phòng gia súc; đồng thời một mình ông ra tận tỉnh Nghệ An đăng ký mua thức ăn chăn nuôi phục vụ đàn lợn nhà mình. Những lứa lợn thịt được nuôi với số lượng ngày một nhiều lên, nguồn thức ăn bảo đảm, dịch bệnh được ngăn chặn, thành công từ mô hình chăn nuôi của gia đình ông cứ nối tiếp nhau năm này sang năm khác.

Bây giờ, ông Đinh Trọng Lưỡng đã có mức doanh thu hàng năm trên 1 tỷ đồng, trừ chi phí, ông thu lãi gần 300 triệu đồng. Ông còn làm đại lý thức ăn chăn nuôi cho bà con nông dân trong vùng. Từ nhiều năm qua, mỗi năm ông đều dành tặng 12 con lợn giống cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong xã; cung cấp giống, thức ăn cho 15 hộ gia đình khác nuôi lợn đến khi xuất chuồng mới thanh toán; tạo điều kiện cho 5 hộ gia đình sử dụng bếp từ khí Bioga miễn phí...

Chắt chiu “quả ngọt” từ rừng...

Nhìn dáng vẻ thư sinh với đôi mắt hiền của Đặng Thanh Văn, ít ai nghĩ rằng người Bí thư Đoàn thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa ấy là thủ lĩnh thanh niên xuất sắc, một triệu phú vườn đồi.

Sinh ra và lớn lên trên miền quê vốn nghèo nên Đặng Thanh Văn hiểu được sự lam lũ, vất vả của người nông dân suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” trên đồng ruộng nhưng vẫn không đủ cái ăn, cái mặc. Điều này đã nhen nhóm trong anh một khát vọng mãnh liệt, đó là vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê mình.

“Năm 2000, nhận thấy thế mạnh của vùng đồi núi, tiểu khu Lưu Thuận (Đồng Lê), mình mạnh dạn làm đơn xin chính quyền địa phương cấp hơn 20ha đất đồi núi trọc. Ban đầu chưa có vốn nên khi nhận đất rừng chỉ có thể khai hoang để trồng hoa màu và cây ăn quả, nhưng hiệu quả kinh tế từ hoa màu và cây ăn quả đưa lại không khả quan, thu hoạch xong vẫn không đủ trả nợ”, Văn bồi hồi nhớ lại.

Thiếu vốn, thiếu kiến thức nhưng khát vọng làm giàu trong Đặng Thanh Văn thì không khi nào bị dập tắt. Năm 2005, hai vợ chồng bàn bạc vay 30 triệu đồng vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện mua cây giống trồng rừng. Từ chỗ trồng xen keo và tràm, sau nhận thấy cây keo dễ trồng, dễ chăm sóc mà tốc độ tăng trưởng nhanh hơn nên Văn quyết định chuyển sang trồng keo hoàn toàn, xem đây là cơ hội để cải thiện cuộc sống gia đình.

Đất không phụ công người, năm 2013, rừng keo của anh thu hoạch lứa đầu tiên đem lại cho gia đình nguồn thu nhập trên 250 triệu đồng. Cùng với trồng rừng, để lấy ngắn nuôi dài và tăng thu nhập trên đơn vị diện tích, Văn kết hợp chăn nuôi bò, dê sinh sản và nuôi ong lấy mật.

Ban đầu anh mạnh dạn mua 10 con bò giống, 20 con dê giống và 10 tổ ong lấy mật với nguồn vốn 150 triệu đồng, đồng thời chuyển một số diện tích đất trồng hoa màu sang trồng cỏ chăn nuôi. Đến nay, gia đình anh có đàn bò 35 con, đàn dê trên 40 con và trên 30 tổ ong. Mỗi năm trừ đi chi phí, gia đình anh thu được trên 200 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, hiện Văn đang tiếp tục đầu tư mở rộng trang trại chăn nuôi lợn rừng thả vườn với quy mô vài chục con.

Qua nhiều năm gắn bó cùng cây keo, với nghị lực làm giàu từ rừng kết hợp trang trại chăn nuôi, Đặng Thanh Văn đã thành công. Văn nhẩm tính: “Khi lứa rừng keo thứ hai cho thu hoạch, gia đình em sẽ có thêm khoản tiền trên 300 triệu đồng; cộng với nguồn thu từ chăn nuôi đang tiếp tục phát triển, mỗi năm sẽ có tổng mức thu nhập trên 500 triệu đồng”.

Theo Báo Quảng Bình

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập