Chi tiết bài viết

Nữ doanh nhân trên vùng cát Quảng Hưng

15:57, Thứ Hai, 9-3-2015

 (Quang Binh Portal) - Để viết tiếp truyền thống lịch sử vẻ vang của phụ nữ Việt Nam anh hùng, phụ nữ huyện Quảng Trạch trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã và đang tiếp tục khẳng định mình, không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, sáng tạo trong lao động để làm giàu chính đáng cho gia đình và quê hương. Một trong những gương tiêu biểu đó là chị Phạm Thị Liên ở thôn Tú Loan 02, xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, đông anh em, sau khi lập gia đình, chị Liên luôn trăn trở, suy nghĩ tìm hướng thoát nghèo bền vững, đưa kinh tế gia đình đi lên, đảm bảo cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Nắm bắt được cơ chế thị trường và nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng, chị Liên đã bàn bạc với chồng mạnh dạn vay vốn, mở cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng, đầu tư mua 02 xe ô tô chuyên chở thuê vật liệu xây dựng cho bà con trong địa phương. Không dừng lại ở đây, năm 2010, khi chính quyền địa phương cho nhận thuê đất để người dân có cơ hội phát triển kinh tế, gia đình chị đã nhận 05ha đất hoang hóa ở thôn Tú Loan 02 để thành lập trang trại. Nhờ cần cù, sáng tạo trong lao động, không mấy chốc, từ một vùng đất cát trắng hoang hóa, vợ chồng chị đã cải tạo thành trang trại trù phú xanh tươi. Ban đầu, gia đình chị trồng cây keo xung quanh để chống cát bay, cát lấp, tiếp đến, đào ao nuôi cá và nuôi các loại gia súc, gia cầm. Sau khi tích lũy được nguồn vốn, chị tiếp tục đi tìm hiểu mô hình nuôi đà điểu ở tỉnh Quảng Nam và ý định nuôi đà điểu đã bắt đầu nhen nhóm trong chị, đây là hướng phát triển kinh tế mới táo bạo trên vùng đất Quảng Hưng mà chưa hề ai mạnh dạn nghĩ đến. Với lợi thế vùng đất cát rộng rãi của trang trại, chị Liên đã quyết tâm thực hiện mô hình nuôi đà điểu. Nghĩ là làm, chị đã đi tham quan các mô hình nuôi đà điểu ở trong tỉnh và các tỉnh bạn như Quảng Nam, Quảng Trị và nghiên cứu ở sách báo để học hỏi kinh nghiệm về kỹ thuật chăn nuôi cũng như cách phòng trừ dịch bệnh. Năm 2011, chị đã bắt tay vào xây dựng chuồng trại để nuôi đà điểu, trồng cây xanh tạo không gian thoáng mát làm nơi trú ngụ cho đà điểu. Ban đầu, chị nuôi thử 50 con giống, sau 05 tháng chăm sóc thấy đà điểu phát triển tốt, thích nghi với môi trường, khí hậu nơi đây nên chị tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình, trồng thêm 05 ha lúa nước, trồng cỏ VA06 nhằm đảm bảo nguồn thức ăn trong chăn nuôi.

Chị Liên cho biết: Đà điểu là loại động vật ăn tạp, thức ăn của chúng rất đơn giản, chủ yếu là các loại cây rau màu, cỏ, bèo tây, các loại phụ phẩm từ lúa, gạo... nên rất dễ kiếm ở các vùng nông thôn. Nhờ áp dụng đúng theo quy trình kỹ thuật trong quá trình chăm sóc nên từ khi nuôi cho đến nay, trang trại đà điểu của chị Liên chưa có dịch bệnh xảy ra. Với thời gian nuôi khoảng 10 -12 tháng, đà điểu đạt trọng lượng từ 90 - 120 kg mỗi con. Giá thị trường khoảng 85 ngàn/1kg hơi thì mỗi con đà điểu thu được trên dưới 9 triệu đồng. Nhận thấy bà con nông dân trong và ngoài tỉnh có nhu cầu chăn nuôi đà điểu, năm 2014, chị đã đầu tư xây dựng thành công mô hình ấp giống đà điểu và đã có con giống xuất bán ra thị trường.

Hiện tại, trang trại của chị Liên có cả trứng thương phẩm, trứng đà điểu lộn, con giống và khoảng 150 con đà điểu thương phẩm, đà điểu sinh sản. Với mô hình này, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình chị Liên thu nhập được khoảng 300 đến 350 triệu đồng, tạo được việc làm cho 12 lao động địa phương, với mức lương từ 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. Chị Liên tâm sự: “Mỗi khi ra thăm trại, nhìn những chú đà điểu lớn lên từng ngày, tôi dường như quên hết mọi mệt mỏi. Mong muốn rằng ngày càng nhiều hộ gia đình đầu tư vào nuôi đà điểu để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm”.

Ấn tượng về người phụ nữ đầy nghị lực và tham vọng phát triển kinh tế này khá giản dị, thân thiện và gần gũi. Không chỉ đảm đang với vai trò là một người vợ, một người mẹ, chị Phạm Thị Liên ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của mình trong các phong trào ở địa phương, nhất là phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, tích cực ủng hộ, quyên góp ở địa phương và được chính quyền địa phương ghi nhận đánh giá cao. Hàng năm chị đã cho nhiều hộ gia đình vay vốn không lấy tiền lãi để phát triển kinh tế, chung tay góp sức vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng trên quê hương. Đặc biệt, chị đã hỗ trợ cho 01 em mồ côi cả cha lẫn mẹ từ 03 năm nay với số tiền 100.000đ/tháng. Xứng đáng với những thành tích đáng nể đó, nhiều năm liền gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, bản thân chị luôn được nhận Giấy khen của các cấp và vinh dự được Hội Liên hiệp phụ nữ Việt nam công nhận là “Doanh nhân vi mô tiêu biểu”. Sắp tới, chị được vinh dự tham giai hội nghị điển hình tiên tiến của huyện và tỉnh.

Với tinh thần vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng, gia đình chị Phạm Thị Liên ở thôn Tú Loan 02, xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch thực sự là tấm gương điển hình trên mặt trận phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

 Hoài Thi (Đài TT-TH Quảng Trạch)

 

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập