Chi tiết bài viết

Tấm gương tiêu biểu của người khuyết tật

17:13, Thứ Tư, 11-4-2012

Bằng nghị lực và trí tuệ của mình, anh đã đưa gia đình thoát nghèo và đang từng bước tiến lên làm giàu.

Anh Huynh hăng say với niềm đam mê của mình

Với một người lành lặn, để thành công trong một ngành nghề nào đấy thật không dễ, với một người khuyết tật thì càng gian truân gấp bội. Nhưng Nguyễn Xuân Huynh đã chứng minh được rằng người khuyết tật có thể vượt lên bằng chính bản lĩnh và nghị lực của bản thân. Bằng chứng là hơn 20 năm nay anh là trụ cột kinh tế của gia đình với nghề mộc tự học.

Sinh ra và lớn lên ở Thôn Nam, Quảng Bình, Nguyễn Xuân Huynh thật kém may mắn khi mới 4 tuổi đã bị liệt một chân. Nhưng không vì thế mà cậu bé Huynh kém cỏi hơn bạn bè đồng trang lứa. Ngược lại, Huynh vẫn ôm sách tới trường với một chân "tha lết". Hồi đó đang còn hệ lớp 10/10 nhưng anh chỉ theo học hết lớp 7 vì trường cấp ba cách nhà hơn 10 cây số, phải phụ thuộc xe cộ. Vào những năm 80, ở làng anh, sắm được xe đạp chẳng khác nào thời nay người ta sắm ô tô mà nhà lại quá nghèo nhưng nếu có, anh cũng không đi được xe đạp.

Nghĩ đến tương lai, "bụng bảo dạ là phải có công ăn việc làm để rồi lấy vợ", điều đó đã thôi thúc chàng trai đầy bản lĩnh ở độ tuổi 17 quyết chí học nghề nhưng không ai nhận vì "chân cẳng rứa làm sao phụ họ được để mà học" - anh kể. Không nản chí, Huynh "chân thấp chân cao" đến các cơ sở mộc trong làng chỉ để xem vì yêu thích. Bằng niềm say mê thực sự, chàng trai liệt một chân "lăn" vào cưa, bào, đục, đẽo... chủ yếu là bắt chước theo kiểu "học lỏm". Với tư chất thông minh, Huynh nhanh chóng thành thạo với nghề và trở thành thợ làm công cho họ.
 
Nguyễn Xuân Huynh năm nay đã 47 tuổi, bùi ngùi nhớ lại một lần nọ bị đoàn thợ mộc người Nam Hà "chạy làng" tiền công của anh. Lúc đó cả đoàn đi làm thuê cho một công trình ở nơi khá xa. Một thân một mình nơi đất khách, không tiền, châ lại què quặt, bị hắt hủi, không có chỗ ngủ. Thấy một ông cụ gần đó đang đan chiếc thuyền nan, anh vào đan giúp một tay, nhìn anh tàn tật nhưng có tài, lại nghe được sự tình éo le của anh lúc này. Cảm động, ông cụ đã cho anh nghỉ qua đêm, sau đó giới thiệu anh sang làm công với một đoàn thợ mộc người Huế. Và Tết năm đó, anh đã được họ giúp trở về nhà, sắm Tết bằng tiền công của mình. "Hồi nớ chỉ với 25 nghìn mà cũng sắm nên Tết đó chú" - anh nói và cười khà khà. Mới đó mà cũng đã gần 25 năm.

Anh khiến mọi người càng khâm phục hơn khi biết rằng chính sự thông minh và khéo tay của mình mà anh lấy được vợ. "Tui cũng bị gièm pha dữ lắm, nhất là bạn bè, người lành lặn chẳng ăn ai, huống hồ bại liệt thế thì lấy gì nuôi vợ con", thấy cũng tủi thân khi trai gái yêu nhau thì nam đi đón và gánh dùm củi cho nữ còn anh Huynh thì... "Nhưng rồi sau nhiều năm thấy ’người ta’ yêu chân thành quá, cả gia đình rất khâm phục anh ấy dù chân cẳng thế mà tài, làm gì cũng được, không thua kém người bình thường, cha tui coi anh là con rể nên tui mới chấp nhận đó chứ" - chị Nguyễn Thị Vưng, vợ của anh Huynh kể và tủm tỉm cười. Nhìn cử chỉ thì biết chị yêu anh nhiều lắm, yêu chân thành và vẹn nguyên hơn 20 năm làm vợ anh. Ngày đó, chị Vưng được khá nhiều chàng to cao, đẹp trai theo đuổi nhưng cuối cùng, chị đã bị "đổ" bởi một người không phải trong số họ mà là anh Huynh - người tật nguyền dũng cảm, chưa bao giờ buồn tủi vì số phận.

Cưới vợ, sinh con đầu lòng năm 1992, tiếp tục "lết" chân đi cưa gỗ thuê. Hồi đó "cái cưa đại phải được hai người to khỏe ngồi kéo đi kéo lại, một ngày được 12m3 gỗ, tiền công thì bèo bọt lắm mà nhà 4 miệng ăn, nuôi cả mẹ già vì là con trai út, thế mà cũng sống lay lắt qua ngày, khi đó gia đình được liệt vô hộ nghèo" - anh tâm sự.

Việc di chuyển nhiều do đòi hỏi của công việc, anh quyết tâm tập xe đạp. Kể đến chuyện tập xe đạp của anh Huynh, ai cũng kính nể. Anh nói: "Lết đi được thì cũng đạp được xe thôi". Quyết là làm, anh nhờ người nhà treo xe đạp ra giữa nhà rồi ngồi lên đạp cho cái chân bị liệt, chỉ to bằng que củi, quen guồng quay. Ai trông thấy cũng cười và không tin là anh đi được xe. Nhưng rồi không gì mạnh bằng ý chí, anh đi xe đạp cũng chẳng kém gì người lành lặn. Người làng phải ngả mũ thán phục khi thấy anh chở gỗ về nhà.

Vô vàn khó khăn trong việc làm thuê đã khiến anh quyết chí lập nghiệp, vượt nghèo ngay trên đất nhà mình. Ban đầu rất gian nan về vốn. Năm 1993 - 1994, anh đã mạnh dạn vay mượn tiền của người thân để mở xưởng mộc tại nhà. Nhận làm mộc cho những người quen bằng việc đóng tủ, giường, bàn, ghế, khung ngoại, cửa... "Tất cả những gì liên quan đến gỗ là nhận tất" - anh nói. Càng ngày hàng mộc gia dụng càng được khách trong vùng đặt nhiều, cần phải có thêm nhiều gỗ nên anh "liều" mua và tập xe máy. Dù rất lo lắng nhưng mẹ của anh đã mừng rơi nước mắt khi thấy người con trai bị dị tật một chân chuyên chở hàng hóa thành thạo với chiếc Dream.
 
Từ đơn hàng nhỏ đến đơn hàng lớn, lấy ngắn nuôi dài, làm có lãi lại đầu tư thêm máy móc để nâng cao năng suất công việc. Anh đã bỏ ra hơn 40 triệu đồng để sắm dụng cụ nghề mộc. Vừa làm, vừa học hỏi thêm các kiểu dáng đẹp, phù hợp và ứng dụng nâng cao tay nghề. Từ đó đến nay, nghề mộc là nguồn sống chính của cả gia đình gồm 7 miệng ăn (mẹ già nay đã 85 tuổi, vợ chồng anh cùng 4 người con: hai trai, hai gái).

Cơ sở mộc của Nguyễn Xuân Huynh trở thành địa chỉ có uy tín vì giao hàng đúng hẹn. Sau những năm đổi mới, người dân Nhân Trạch ăn nên làm ra, xây dựng lại nhà cửa khá nhiều, vì thế mà nghề mộc của anh luôn có "đất để dụng võ". Những dịp giáp Tết bao giờ cũng "đầy ăm ắp" việc, thậm chí phải làm đêm.

Tiếng lành đồn xa, vượt lên hoàn cảnh tật nguyền bằng bản lĩnh của mình, tự học hỏi để thành người thợ lành nghề, nên anh càng được nhiều người biết đến hơn. Hằng năm, anh đều tham gia họp mặt cùng Hội người khuyết tật tỉnh Quảng Bình. Anh là người khuyết tật tiêu biểu của tỉnh vì đã xuất sắc hoàn thành khóa tập huấn lập kế hoạch và quản lý sản xuất kinh doanh nhỏ cho người khuyết tật tỉnh Quảng Bình vào tháng 4/2010 do Đại sứ quán Ai-len tài trợ. Năm 2010, anh được Hội người khuyết tật tỉnh Quảng Bình tặng một chiếc máy cưa gỗ trị giá 7 triệu đồng. "Chính nhờ ’hắn’ mà năng suất tăng hẳn lên" - anh vui vẻ kể.

Bằng nghị lực và trí tuệ của mình, anh đã đưa gia đình thoát nghèo và đang từng bước tiến lên làm giàu. Gia đình hạnh phúc với người mẹ già luôn biết động viên con cháu, người vợ hiền thảo, con cái ngoan ngoãn, chăm học, chăm làm, biết giúp đỡ anh lúc khó khăn. Vợ chồng anh đang dự định xây nhà mới khang trang trong vài năm tới bởi căn nhà hiện nay đã được dựng cách đây 27 năm, chỉ che được nắng nhưng không chặn được mưa. Gia đình Nguyễn Xuân Huynh là niềm tự hào của cả dòng họ Nguyễn và nhân dân xã Nhân Trạch.

Anh Huynh tâm sự rằng rất muốn truyền nghề cho người khuyết tật nào đó trong làng xóm yêu nghề mộc để có thể vươn lên bằng khả năng của chính mình, sống và làm việc đàng hoàng giống như anh vậy. Anh tha thiết: "Người khuyết tật ở Nhân Trạch khá đông, vươn lên và sống được với nghề nghiệp bằng chính khả năng của mình thì rất hiếm. Phần lớn đều phụ thuộc gia đình, còn trợ cấp xã hội chỉ như là ’cái kẹo’ thôi, làm sao đủ sống, nên rất cần cộng đồng chung tay thành lập Hội người khuyết tật của xã. Đó sẽ là nơi tuyên truyền, sẻ chia nỗi niềm trong cuộc sống, giúp đỡ nhau học nghề, tạo công ăn việc làm, vượt lên số phận...".

Thiết nghĩ, đó cũng là suy nghĩ chung của các cấp, các ngành. Rất cần thêm những sự hỗ trợ của cộng đồng, giúp đỡ người khuyết tật chính là giúp mình. Càng nhiều người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống thì mới chứng tỏ được xã hội đó là ưu việt, thực sự là văn minh và phát triển.

Nhìn Nguyễn Xuân Huynh say mê và khéo léo với đường cưa, lưỡi bào và làm ra những sản phẩm mộc gia dụng khá đẹp mắt mới thấy câu danh ngôn: "Trong vũ trụ không gì vĩ đại bằng con người, trong con người không gì vĩ đại bằng trí tuệ" luôn đúng.

Theo Ngôi Sao

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập